Đồng Tháp phát triển vùng cây ăn trái chủ lực, tăng giá trị xuất khẩu

Cập nhật ngày: 12/12/2023 13:50:30

ĐTO - Góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp phát triển cây ăn trái chủ lực tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho người sản xuất; tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp...

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn trái là 46.413ha, sản lượng trên 463 nghìn tấn, trong đó, cây có múi 10.064ha, sản lượng 192,4 nghìn tấn; nhãn là 5.515ha, sản lượng 51,9 nghìn tấn; cây xoài 16.764ha, sản lượng 178,1 nghìn tấn; cây ăn trái hữu cơ 548ha.

Tại các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%; diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 30% (VietGAP và tương đương); diện tích áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm 20 - 30%.

Phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt khoảng 55.000 ha, sản lượng trên 550 nghìn tấn, trong đó, cây có múi là 13.335 ha, sản lượng đạt 292,5 nghìn tấn; nhãn 7.000 ha, sản lượng đạt 72,9 nghìn tấn; cây xoài 20.180 ha, sản lượng 217,3 nghìn tấn; cây ăn trái hữu cơ là 1.330ha.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, tỉnh xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn với sản xuất, thu mua, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Việc phát triển cây ăn trái cần theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý, tại những vùng có điều kiện đất đai, sinh thái phù hợp; tránh phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào gây ra tình trạng cung vượt quá cầu, dư thừa, giá bán thấp.


Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển nhiều loại cây thế mạnh theo định hướng thị trường

Về khoa học công nghệ và khuyến nông, phối hợp các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, chọn tạo giống cây ăn trái năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây ăn trái chất lượng, sạch bệnh cho cây trồng mới, tái canh và ghép cải tạo.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (tưới thông minh tiết kiệm nước, bón phân theo nhu cầu cây, nhật ký điện tử…) nhằm giúp giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị có uy tín thực hiện thí điểm xây dựng, áp dụng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản chủ lực và liên kết doanh nghiệp thu mua sản phẩm...

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn