Đồng Tháp tập trung nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hàng hoa kiểng
Cập nhật ngày: 09/12/2023 14:31:47
ĐTO - Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện diện tích trồng hoa kiểng trên địa bàn tỉnh hơn 2.160 ha, phân bố tại TP Sa Đéc 946,5ha, các huyện: Lai Vung 837,5ha, Lấp Vò 357ha và TP Cao Lãnh 21ha. Trong đó, có khoảng 1.200 loại hoa kiểng và chia thành 2 nhóm chính, là nhóm hoa phổ biến (hoa hồng các loại, hoa cúc các loại, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng, hoa ly ly, hoa huệ trắng...) chiếm 22,7% diện tích; nhóm kiểng phổ biến (kiểng lá trang trí nội thất, cảnh quan, kiểng cây công trình hằng năm, kiểng cây lâu năm, bonsai…) chiếm 77,3% diện tích.
Tại các địa phương, hiện có 5 hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hoa kiểng, 3 hội quán sản xuất và hơn 4.500 hộ kinh doanh hoa kiểng tại hộ gia đình, tất cả được tập huấn về sản phẩm có mã QR, sàn thương mại điện tử để thuận lợi trong kinh doanh, xây dựng trung tâm liên kết thu gom sản phẩm từ vùng trồng và đóng gói hoa kiểng cung ứng cho nội địa, xuất khẩu.
Tại TP Sa Đéc, thời gian qua, các ngành, các cấp nỗ lực xây dựng khu sản xuất hoa kiểng phù hợp với phát triển ngành hàng chủ lực của địa phương; thực hiện quy hoạch lại vùng chuyên canh sản xuất hoa kiểng phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đã đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Đến nay, diện tích hoa kiểng của thành phố là 946ha, tăng 258ha so với năm 2020; đạt 111,34% so với kế hoạch (kế hoạch đến năm 2025 đạt 850ha), giá trị sản xuất hoa kiểng đạt 2.800 tỷ đồng. Số hộ sản xuất hoa kiểng hiện nay là 4.054 hộ, tăng 2.164 hộ so với năm 2020.
Nông dân sản xuất hoa kiểng
Để nâng cao hiệu quả cho ngành hàng hoa, kiểng, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn TP Sa Đéc hỗ trợ các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực hoa kiểng làm đầu mối liên kết sản xuất và tiêu thụ hoa kiểng nhằm thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, cung ứng cây giống hoa kiểng cấy mô phục vụ cho xã viên hợp tác xã; xây dựng Làng hoa kiểng Sa Đéc kết hợp với du lịch Sa Đéc, đáp ứng được bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm du lịch trong bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, có 4 đơn vị được đánh giá đạt sản phẩm 3 sao...
Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng của tỉnh đạt 7.000 tỷ đồng; phát triển giống: sưu tầm, nhập khẩu, nghiên cứu phát triển đa dạng loại giống và đạt chất lượng; chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ về nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nước, dinh dưỡng, ánh sáng, nhiệt độ, giá thể trồng, bảo quản, đóng gói; liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Tỉnh cũng thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác hoa kiểng gắn kết tiêu thụ tại các hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ hoa kiểng theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến sơ chế, bảo quản tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định đầu ra, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất; phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp; nâng cấp, xây dựng Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh trở thành đầu tàu của tỉnh trong việc nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
NHẬT NAM