Tăng cường chuyển đổi số ngành giáo dục

Cập nhật ngày: 01/12/2023 09:11:50

ĐTO - Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hướng đến chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GDĐT), đến nay, ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã tạo ra những thay đổi tích cực, tại các cơ sở giáo dục (CSGD) đã hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số...

Theo đánh giá của Sở GDĐT, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-UBND-HC ngày 5/8/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp, Sở đã triển khai dạy học với mô hình giáo dục STEM đến 100% các CSGD từ tiểu học đến THPT theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, đã tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, tổ chức các hội thi về giáo dục STEM…


Các học sinh Trường THPT Đỗ Công Tường, TP Cao Lãnh hứng thú hơn với chương trình giáo dục STEM

Nổi bật là, các CSGD từ tiểu học đến THPT hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt trên 70%. Có 465/595 CSGD phổ thông, giáo dục thường xuyên đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỉ lệ trên 78%; 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan được thực hiện trên nền tảng quản trị số (hệ thống iDesk). Song song đó đã có 5.953 cán bộ quản lý và giáo viên được trang bị chữ ký số, hiện các CSGD đã và đang làm thủ tục, đợi ban cơ yếu cấp chữ ký số.

Sở GDĐT đã hướng dẫn các trường thực hiện số hóa các hồ sơ, sổ sách chuyên môn, kể từ năm học 2023 - 2024 triển khai nhân rộng hồ sơ số, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử; xây dựng được kho học liệu số, bài giảng điện tử dùng chung. Kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu ngành giáo dục để chia sẻ cho các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung trên địa bàn tỉnh…

Theo Sở GDĐT, giai đoạn 2023 - 2025, Sở có 6 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT được phê duyệt tại Đề án CĐS tỉnh, trong đó có 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 1 dự án sử dụng nguồn chi thường xuyên, 2 dự án sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có 3 dự án sử dụng nguồn đầu tư công chưa được bố trí vốn, hiện nay Sở GDĐT chỉ triển khai các dự án thuộc nhóm kinh phí nguồn chi thường xuyên và nguồn xã hội hóa. Do vậy, ngành GDĐT tỉnh kiến nghị tỉnh sớm bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn đầu tư công lĩnh vực CNTT, Sở GDĐT được giao chủ trì thuộc danh mục được phê duyệt tại Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp.

Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường CĐS và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong GDĐT; tiếp tục xây dựng hạ tầng quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn