"Giáo dục" và "thi cử"
Cập nhật ngày: 01/10/2016 07:06:39
Cuối cùng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quyết tâm thực hiện "mỗi mùa thi một chính sách”, khi công bố Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017. Cùng với việc thông báo phương án mới này, đại diện Bộ cũng chính thức đề nghị các trường phổ thông chuẩn bị chương trình giảng dạy, ôn tập và hướng dẫn thí sinh học tập cho phù hợp.
Thế hệ học sinh 1999 phải thay đổi cách học để đáp ứng kỳ thi cuối cấp với hầu hết các môn chuyển sang thi trắc nghiệm. (Ảnh minh họa)
Vậy là, cứ vào đầu năm học mới lại thấp thỏm lo cuối năm thi kiểu gì để lựa cách mà học cho đạt kết quả tốt. Năm 2015, thế hệ học sinh sinh năm 1997 đã “nháo nhác” vì kỳ thi “ba chung” lần đầu được áp dụng, hỗn loạn ở khâu nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ. Mới tạm “yên lành” được kỳ thi năm nay (2016), thế hệ học sinh sinh năm 1999 lại tiếp tục phải lo thay đổi cách học để đáp ứng kỳ thi cuối cấp với hầu hết các môn chuyển sang thi trắc nghiệm.
Cứ đầu mỗi năm học, hàng triệu phụ huynh, học sinh và giáo viên "nín thở" chờ quyết định của ngành giáo dục về phương án kỳ thi năm tới. Và để rồi, giáo viên quay cuồng tìm cách dạy để học sinh có thể thi tốt. Phụ huynh, học sinh vò đầu tìm đối sách ứng phó với những "đổi mới".
Thay vì tập trung học tập và tìm thấy hứng thú trong việc tìm hiểu kiến thức, trau dồi nhân cách và bồi bổ tâm hồn, các em học sinh phải dành thời gian... tập cho quen với cách thi mới. Những học sinh đang và sắp bước vào năm cuối của bậc THPT, ngoài thi tốt nghiệp, còn luôn phải sẵn sàng tư thế để ứng phó với phương pháp xét tuyển đại học thay đổi dường như liên tu bất tận.
Cùng thời gian với công bố phương án thi tốt nghiệp THPT, một "đổi mới" khác của ngành giáo dục cũng vừa khiến các bậc cha mẹ phải quan tâm. Đó là việc ban hành Thông tư 22/2016/BGDDT, bổ sung một số điểm trong cách đánh giá học sinh tiểu học, thay thế cho Thông tư 30 vừa ban hành hai năm trước. Tuy không gây dư luận ồn ào như phương án tốt nghiệp THPT, nhưng Thông tư 22 thêm một lần nữa khiến cho các bậc phụ huynh "củng cố mối lo ngại" rằng những “cải cách” năm học này có khi lại phải sửa sai ngay vào năm sau.
Nhiều người đặt câu hỏi: Căn cốt của nền giáo dục Việt Nam là gì? Từ lâu, đã có câu trả lời. Một nền giáo dục trọng thi cử. Dạy và học dường như chỉ để phục vụ thi cử. Từ thi vào lớp một, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp các cấp, thi đại học. Rồi đến các kỳ thi tranh giải này giải nọ. Để có kết quả tốt tại các kỳ thi, để có giải cao, thầy và trò đều phải dạy vào học theo kiểu “nhồi nhét” và luyện thi. Vấn nạn học thêm cũng từ đây mà ra, rồi từ đó lại lo tập trung chấn chỉnh. Những thế hệ học sinh học theo kiểu luyện “gà chọi”, thắng hết mọi cuộc thi nhưng ra đời kỹ năng kém, nặng về lý thuyết và thiếu kiến thức thực tế ai cũng nhìn thấy rõ. Cứ nhìn mỗi kỳ thi hay xét tuyển ĐH, CĐ, các bậc cha mẹ phải lặn lội phục vụ con như thế nào thì đủ biết khả năng tự chủ của các em đến đâu.
Việc một đứa trẻ đạp xe ra đường chơi bỗng đâu va vào xe ba gác chở tôn, bị cứa cổ dẫn đến tử vong để lại trong xã hội dư âm đau xót. Việc mùa hè năm nào cũng liên tục xảy ra những vụ tai nạn đuối nước khiến ai cũng thương tâm. Tất cả, đặt ra câu hỏi: giáo dục để làm gì, khi không trang bị cho các em kỹ năng cơ bản nhất để nhận biết mọi hiểm nguy và biết tự bảo vệ mình? Thay vì tập trung thời gian học hành trở nên những con người đủ kiến thức và kỹ năng để sinh tồn, để nhận thức và đóng góp cho xã hội, để sống hạnh phúc cho mình và mang lại hạnh phúc cho cuộc sống, thì những đứa trẻ của chúng ta chỉ biết bù đầu vào thi cử?
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức công bố thống kê tai nạn giao thông xảy ra ở trẻ em Việt Nam cao gấp chín lần so với thế giới. Không biết nhìn vào số liệu ấy, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có cảm thấy mình liên đới hay không khi những "rô-bốt thi cử" do họ tạo ra thiếu những kỹ năng cơ bản nhất là kỹ năng sinh tồn và tuân thủ pháp luật?
Nhìn lại hàng trăm năm trước, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã đề ra chủ trương giáo dục phải hướng tới mở mang tri thức và hoàn thiện nhân cách. Việc học phải thiết thực bắt đầu từ học vệ sinh - học phương pháp làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật; học trị sinh - học phương pháp làm thức ăn, đồ mặc và quản lý sản nghiệp; học làm người, làm quốc dân. Nhìn vào những chính sách giáo dục hiện tại, dường như một thế kỷ trôi qua mà chúng ta vẫn thua tiền nhân một khoảng còn xa lắm.
Theo Tuệ Minh/NDĐT