“Vui học tiếng Anh” - Một trong những hoạt động tiêu biểu của mô hình tiếng Anh cộng đồng

Cập nhật ngày: 23/12/2015 13:07:56

English is fun - Vui học tiếng Anh (VHTA) là một trong 6 hoạt động của mô hình tiếng Anh cộng đồng đã được Trường Đại học Đồng Tháp triển khai trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. VHTA là sân chơi ngôn ngữ dành cho học sinh (HS) Tiểu học, tạo cho các em HS một môi trường sử dụng ngôn ngữ với hình thức học mà chơi, chơi mà học. Các em HS giao tiếp bằng tiếng Anh một cách tự nhiên và không lo ngại các lỗi về cấu trúc, ngữ pháp hay phát âm, vì khi phát hiện lỗi sai, người đồng hành sẽ giúp các em điều chỉnh một cách thoải mái nhất.


Các em học sinh thể hiện niềm vui khi trả lời đúng câu đố tiếng Anh

Hoạt động VHTA đã được tổ chức rất thành công ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám và Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm của TP.Cao Lãnh với 192 HS tham gia. HS được trải nghiệm với các hoạt động sử dụng tiếng Anh được các anh chị sinh viên tình nguyện (SVTN) của Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức (SVTN được tập huấn 3 tuần trước đó với giảng viên của trường). Các hoạt động chính bao gồm: trò chơi ngôn ngữ, hoạt động kể chuyện, bài hát, giao tiếp...

Mỗi buổi sinh hoạt, HS được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết bằng tiếng Anh. Cuối mỗi buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm hoạt động sẽ ghi nhận ý kiến nhận xét, góp ý của giảng viên hướng dẫn các nhóm, giáo viên trường Tiểu học, SVTN, HS tham gia và phụ huynh HS. Các ý kiến đóng góp được phân tích, tổng hợp nhằm rút kinh nghiệm cho buổi sinh hoạt lần sau được hoàn thiện hơn.

Thạc sĩ Phạm Thị Kim Dung - giảng viên khoa Sư phạm Ngoại ngữ, chủ nhiệm hoạt động VHTA chia sẻ: “Có lẽ điều hạnh phúc nhất của những người tổ chức là khi kết thúc hoạt động và tạm biệt các em HS, các em đã nói: “Cô ơi, vậy là mai mốt cô không vô chơi với tụi con nữa hả cô?”, “Vậy là mai mốt con lên lớp 4, con không được tham gia nữa hả cô?”, “Học kì 2, mình có học vui như vầy nữa không cô?”. Đây thật sự là những câu hỏi hồn nhiên, nhưng đã làm cho chúng tôi rất xúc động và cũng là động lực để trong thời gian tới, nếu có điều kiện chúng tôi sẽ mang mô hình đến với nhiều em HS hơn, đặc biệt là những em vùng sâu, vùng xa”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hoạt động VHTA thực sự đã tạo ra được phong trào học tiếng Anh trong HS và ý thức phục vụ cộng đồng trong SV. Dù thời gian luyện tập để chuẩn bị cho hoạt động có vất vả nhưng điều các bạn SVTN nhận được từ mô hình sẽ rất bổ ích cho hoạt động giảng dạy sau này của các bạn. Các bạn SVTN được trải nghiệm và có kinh nghiệm thực tiễn tổ chức hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Anh với những khó khăn mà người tổ chức có thể gặp phải và cách khắc phục, xử lý tình huống. Đối với HS, mô hình ít nhiều tạo cho các em cảm thấy việc học tiếng Anh là vui, thoải mái và thú vị hơn, không còn sợ học tiếng Anh mà ngược lại rất hào hứng, chờ đợi được học tiếng Anh.

“Chúng tôi rất mong muốn mô hình sẽ được tiếp tục duy trì và mở rộng trong năm học tới để không chỉ HS khối Tiểu học, mà HS khối THCS và THPT cũng có thể tham gia, nhằm góp phần kiến tạo phong trào học tiếng Anh rộng khắp trong địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Để làm được điều đó, chúng tôi rất cần sự đồng hành, hỗ trợ và hợp tác của các đơn vị, cơ quan và các nhà tài trợ cho các hoạt động; đồng thời, mong muốn nhận được nhiều ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh để mô hình ngày một hoàn thiện và thiết thực hơn” - Thạc sĩ Phạm Thị Kim Dung chia sẻ thêm.

Mô hình tiếng Anh cộng đồng của Trường Đại học Đồng Tháp đã được Hội đồng chuyên môn thẩm định và được Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Bộ Giáo dục Đào tạo bình chọn là 1 trong 5 mô hình tiếng Anh tiêu biểu xuất sắc của cả nước. Cùng với VHTA dành cho HS Tiểu học, các hoạt động: Language café, Gala night, Eloquent contest, English Olympic, English clubs dành cho sinh viên chuyên và không chuyên tiếng Anh của trường đã góp phần tạo nên phong trào học tập tiếng Anh sôi nổi, vui tươi và hiệu quả.

NGUYỄN VĂN NGHIÊM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn