Các kiểu “gợi ý” dạy thêm học thêm
Cập nhật ngày: 24/10/2016 10:17:47
ĐTO - Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nhiều biện pháp chấn chỉnh vấn đề dạy thêm học thêm (DTHT) như: ban hành quy chế, quy định, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhắc nhở giáo viên (GV) liên quan đến các vấn đề DTHT. GV muốn dạy thêm phải đảm bảo các quy định về cơ sở vật chất, chuyên môn, giáo án, phải có giấy phép về việc DTHT. Năm học mới, một số phụ huynh lại băn khoăn, lo lắng với các kiểu “gợi ý” học thêm từ một bộ phận GV.
Các kiểu “gợi ý”
Bên cạnh những nhà giáo tâm huyết, hết lòng vì học trò, vẫn có GV “gợi ý” DTHT mà phụ huynh cảm nhận được và bức xúc khi trao đổi với chúng tôi. Chị Lê Thị H. ngụ phường 2, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Sáng 7 giờ, con tôi có mặt tại trường, trưa con ở lại trường học bán trú, 16 giờ 15 phút tôi rước con về nhà. Nhưng những ngày gần đây, các bạn trong lớp con học thêm ở nhà cô tới 7 giờ tối mới về. Tôi cũng khó xử, vì con chỉ mới học lớp 1, nếu học nhiều sẽ mệt, nhưng không học thì sợ con học không bằng bạn bè, không an tâm vì nhiều lý do tế nhị...”. Nỗi lo của chị H. càng tăng lên khi con chị kể: Cô nói với con, chiều nay con vô nhà cô học nhe. Không biết ý cô giáo như thế nào, chị H. hỏi cô giáo thì cô nói: “Con chị học cũng tốt, ngoan, nhưng còn viết chữ không đẹp nên đến nhà cô học buổi tối để rèn chữ. Chị muốn con học thì học, không thì thôi?!”.
Không riêng gì Tiểu học, cấp THCS, THPT cũng có những kiểu “gợi ý” học thêm khác nhau. Ngày 10/9/2016, chúng tôi gặp 1 HS học lớp 9, em là HS giỏi, cũng đi học thêm. Em phản ánh thắc mắc của mình về việc GV chủ nhiệm kiêm GV bộ môn “đề nghị” em và các bạn viết tên các môn học thêm, GV mà các em theo học để cô tiện quản lý?!. Theo lời kể của HS này, GV còn dẫn chứng cụ thể: “Các em thử nghĩ xem, nhà cô và nhà hàng xóm cùng bán tạp hóa, vậy thì các em sẽ mua đồ của ai. Không lẽ các em ghé mua ở nhà hàng xóm, không mua đồ nhà cô...”.
Tại TP.Cao Lãnh, UBND thành phố chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp các ngành, xã, phường, kể cả tổ, khóm, ấp cùng quản lí DTHT. Hiệu trưởng các trường triển khai việc DTHT cho GV các quy định về DTHT, có ký cam kết thực hiện nghiêm túc quy định DTHT. Các trường kiểm tra, phát hiện và xử lí GV vi phạm theo quy định. Phòng GD&ĐT tăng cường chỉ đạo hiệu trưởng các trường nâng cao chất lượng tổ chức dạy học buổi thứ hai để HS học buổi thứ hai tại trường là đủ kiến thức, không phải đi học thêm. Phụ huynh có thể phản ánh việc GV vi phạm DTHT qua số điện thoại 0949.354.959 hoặc gửi email ngoidt@gmail.com. Ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng Phòng GD&ĐT TP.Cao Lãnh cho biết: “Theo quy định, GV Tiểu học không được dạy thêm trừ dạy năng khiếu, kỹ năng sống. GV không được được gợi ý DTHT. Nếu chúng tôi phát hiện GV Tiểu học gợi ý phụ huynh hay HS phải học thêm hay ép HS học thêm sẽ bị xử lí theo qui định. Do đó, phụ huynh an tâm khi gửi con học tại các trường, không cần phải học thêm. Hầu hết các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nên HS học tại trường là được rồi, HS còn yếu, chưa theo kịp thì nhà trường phải tổ chức bồi dưỡng ngay tại trường...”.
Tăng cường quản lý
Trên thực tế, nhiều phụ huynh bận công việc; chương trình học của HS theo chương trình mới nên phụ huynh khó hướng dẫn cho các em; đối với HS THCS, THPT chương trình học đòi hỏi các em phải có thời gian tích lũy thêm kiến thức, do đó việc học tập cần đến sự hỗ trợ từ phía GV. Đối với GV, mức lương hiện tại chưa phải thu nhập cao và dạy thêm cũng là một kiểu giúp GV có thêm thu nhập. Trung bình 1 HS học thêm chi phí dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng. Trong 1 lớp chỉ cần 10 hoặc 15 HS theo học, GV sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Ngoài ra, do chương trình học tại trường có nhiều dạng, từ trung bình đến nâng cao nên một số phụ huynh cũng muốn cho con học thêm để vững kiến thức. Thực tế có “cầu”, có “cung” là chuyện bình thường, nhưng vấn đề đặt ra là chất lượng DTHT ra sao; có hay không việc dạy trước chương trình hoặc nếu đi học thêm hôm trước thì hôm sau làm bài kiểm tra sẽ dễ dàng hơn?. Hay các em HS có thể tự chọn những GV dạy giỏi bất kỳ để học thêm mà không bị áp lực từ GV đang dạy mình, GV bộ môn đó của trường mình?. Tại Đồng Tháp, từ năm 2012 hoạt động DTHT được UBND tỉnh, Sở GD&ĐT quan tâm, đã có nhiều cuộc họp lấy ý kiến về vấn đề này. Sở GD&ĐT cũng giao cho thanh tra Sở phối hợp các trường thanh tra, kiểm tra hoạt động DTHT ở các cơ sở, đồng thời quản lý, nhắc nhở các cơ sở đảm bảo các điều kiện DTHT theo quy định. Một số GV chọn hình thức DTHT tại trường thông qua các buổi tăng tiết, hoặc củng cố kiến thức cho HS thông qua học nhóm tại lớp học.
Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT đưa hoạt động thanh tra quản lý về DTHT vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trên Website của Sở GD&ĐT đã vận hành hệ thống khảo sát trực tuyến lấy ý kiến của người dân về bổ sung, điều chỉnh Quy định DTHT trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tại Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 6/2/2014 của UBND tỉnh. Nội dung điều chỉnh bao gồm: Không dạy thêm đối với HS Tiểu học. Việc bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống chỉ được tổ chức dạy tại các trường và trung tâm; hoặc không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa; UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm theo dõi, quản lý, kiểm tra hoạt động DTHT; GV vi phạm quy định DTHT bị xem xét chuyển đổi vị trí việc làm hoặc điều động đến đơn vị khác theo yêu cầu của ngành giáo dục... Khảo sát mới của Sở GD&ĐT gắn với thực tế, đề cao lợi ích của HS, hạn chế thấp nhất tình trạng GV lợi dụng DTHT trục lợi làm xấu hình ảnh người GV. Sở GD&ĐT cũng quán triệt trong toàn ngành cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo làm tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”...
Ngoài hoạt động thanh, kiểm tra đang được phòng chuyên môn trực thuộc Sở GD&ĐT thực hiện, Sở GD&ĐT cũng đã vận hành các đường dây nóng 0673624444; số điện thoại 0901071717; email: gddtvoind@gmail.com; chuyên mục bạn đọc hỏi, cơ quan trả lời trên website: dongthap.edu.vn. Người dân khi thắc mắc các vấn đề liên quan đến lĩnh vực GD&DT nên gửi yêu cầu đến các địa chỉ trên để được giải đáp.
C.Phương