Cần sự định hướng sớm trong việc chọn ngành nghề
Cập nhật ngày: 29/03/2017 10:33:37
ĐTO - Học sinh (HS) lớp 12 đang chuẩn bị ghi phiếu đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét đại học, cao đẳng năm 2017. Từ ngày 1-20/4 sẽ đăng ký dự thi, nhận phiếu đăng ký dự thi. Bên cạnh những HS đã có sự định hướng từ trước, nhiều HS vẫn còn khá phân vân với những ngành nghề mình sẽ chọn.
Học sinh đặt câu hỏi với thành viên tư vấn trước khi đăng ký dự thi
Tâm lý mơ hồ khi chọn nghề
Em Nguyễn Thị M.V. - HS lớp 12 Trường THPT Lấp Vò 2, huyện Lấp Vò cho biết: “Em đăng ký học ngành quản lý nhà hàng khách sạn vì nghĩ thời gian tới ngành này sẽ phát triển...”. Khi được hỏi gia đình có ai từng làm ngành này, mở công ty, hay có kiến thức gì về công việc quản lý, chương trình đào tạo, hay ra trường sẽ làm việc ở đâu, mức lương như thế nào thì V. không trả lời được. Suy nghĩ mơ hồ về nghề nghiệp, việc làm, chương trình đào tạo vẫn còn ở không ít HS. Khi chọn ngành, chọn nghề, các em có những suy nghĩ như muốn làm quản lý, muốn có mức lương cao, muốn có cơ hội thăng tiến; các em không biết khi trúng tuyển vào học sẽ được đào tạo những gì, chương trình học ra sao, sẽ làm việc ở đâu, mức thu nhập sau khi ra trường...
Một thực tế đáng chú ý là các em lại chọn nghề theo sở thích nhất thời, hoặc chọn theo số đông; thấy bạn đăng ký thì chọn theo mà bỏ qua năng khiếu bản thân, đây là một trong những “lỗi” hay mắc phải của các HS trong thời điểm làm hồ sơ đăng ký dự thi. Nhiều em có kết quả học tập trung bình trong năm học lớp 12 nhưng lại chọn những ngành “khó” thi như: công an, quân đội, y dược, bách khoa, báo chí... Khi chọn những ngành này, các em ít chú ý đến năng khiếu bản thân, khả năng sức khỏe, chiều cao, cân nặng, sự nhạy bén trước các vấn đề xã hội, khả năng diễn đạt, khiếu viết lách, tự tin, bản lĩnh chính trị trước các vấn đề...
Cần được định hướng sớm
Nếu như các em không thể hiện rõ bản lĩnh cá nhân thì vai trò của phụ huynh HS trong việc định hướng nghề nghiệp cho con thời điểm này là rất cần thiết. Một số phụ huynh HS có sự quan tâm đến nghề nghiệp cho con sớm ngay từ năm học lớp 10, thay vì chờ con học đến lớp 12. Bà Nguyễn Thị Hiền ngụ khóm II, thị trấn Mỹ An cho biết: “Con tôi trúng tuyển Đại học Y Dược Cần Thơ năm vừa rồi. Để con thi đậu vào trường, tôi đăng ký cho con thi vào trường chuyên; gia đình chăm sóc, theo sát việc học của con. 3 năm miệt mài cùng sự động viên của gia đình, nỗ lực của con cuối cùng kết quả đã như mong muốn...”. Những HS muốn thi vào những ngành nghề khác như: ngân hàng, kiến trúc đều phải có sự chuẩn bị từ rất sớm. Em Nguyễn Văn Thịnh - cựu HS Trường THPT Thành phố Cao Lãnh chia sẻ: “Em có mơ ước vào học ngành kiến trúc. Ngành này cần phải thi môn năng khiếu vẽ mỹ thuật, vẽ trang trí màu. Em phải tìm thầy học tại Trường Đại học Đồng Tháp, có bạn xuống tận Sa Đéc để ôn luyện. Vì vậy, nếu các bạn muốn chọn trường thì cần chú ý bản thân có năng khiếu hay không? Nếu không sẽ rất khó để thi vào những ngành đòi hỏi phải có năng khiếu...”. Em Nguyễn Bảo Vy - HS Trường THPT Thành phố Cao Lãnh cho biết: “Hiện nay, các ngành nghề khá đa dạng nên chúng em tiếp cận chủ yếu từ thầy cô, bạn bè, trên Internet, những anh chị đã đi trước hay các chương trình tư vấn tuyển sinh tại trường. Bao nhiêu đó vẫn chưa đủ, em cần thêm những thông tin dự báo về nhu cầu việc làm trong tỉnh, vì theo em biết, hiện nay rất khó xin việc, nhiều người học đại học ra trường không có việc làm, phải làm trái ngành nghề...”.
Hỗ trợ HS thông tin về dự báo nghề nghiệp thị trường cần trong tương lai, Tổng cục Dạy nghề - đơn vị tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của Báo Tuổi Trẻ cũng đưa ra những dự báo đáng chú ý như: hiện có đến 200.000 sinh viên sau tốt nghiệp đại học rơi vào tình trạng thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên trình độ cao. Một số nhóm nghề người lao động tìm việc nhiều nhưng ít chỗ làm như kế toán - kiểm toán, tài chính - ngân hàng. Theo dự báo của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm đến năm 2020, một số ngành có nhu cầu tăng về việc làm như: xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến - chế tạo, nghệ thuật vui chơi, giải trí... Những ngành nghề dự báo sẽ giảm lao động gồm: những ngành khai khoáng, vận tải, quản lý nhà nước... Chính vì sự điều tiết này của thị trường lao động nên HS khi chọn ngành, nghề cần lưu ý đến chất lượng đào tạo - kỹ năng hành nghề. Điều này sẽ quyết định khả năng tìm việc làm, mức thu nhập, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
C.Phương