Chuẩn bị tốt các yêu cầu cần thiết để học sinh bắt đầu năm học mới
Cập nhật ngày: 13/09/2021 20:45:21
ĐTO - Chiều ngày 13/9, tại phòng họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chủ trì buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các sở, ngành liên quan về công tác chuẩn bị năm học 2021 - 2022. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Kim Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở GD&ĐT, năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT xây dựng các phương án tổ chức dạy học đối với từng ngành học và cấp học theo từng tình huống cụ thể: toàn tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội; tình huống theo mức độ nguy cơ dịch của các huyện, thành phố. Ưu tiên tổ chức dạy và học trực tuyến trong học kỳ I năm học 2021 - 2022. Sở GĐ&ĐT cũng thông tin về việc sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến và dự kiến kinh phí phải chi đối với các trường học và học sinh, học viên. Đồng thời, thống kê số học sinh, học viên trên toàn tỉnh chưa có điều kiện học trực tuyến (tính đến ngày 11/9/2021) là trên 39.500 học sinh (chiếm tỷ lệ 23,69%) gồm: cấp tiểu học (chỉ tính học sinh lớp 5), cấp THCS và cấp THPT. Sở GD&ĐT cũng đề xuất tỉnh xem xét các phương án miễn giảm học phí cho học sinh, học viên trong thời hạn nhất định (đối với một số nhóm đối tượng).
Quang cảnh tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu trình bày những vấn đề còn hạn chế, khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ năm học mới; đề xuất những phương án để hỗ trợ học sinh học tập trong từng tình huống cụ thể của diễn biến dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, ngành giáo dục cần xây dựng 2 phương án học tập: học trực tuyến ít nhất là nửa học kỳ I và học sinh trở lại trường khi dịch bệnh được kiểm soát; học trực tuyến đến hết học kỳ I. Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan sớm thống nhất phương án và thời gian tổ chức dạy học để chỉ đạo các cấp tiến hành nhiệm vụ năm học mới đạt hiệu quả. Ngành giáo dục cần rà soát chính xác số lượng học sinh thực sự gặp khó khăn khi học trực tuyến để có phương án hỗ trợ cụ thể; đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh. Tập trung vận động xã hội hóa để hỗ trợ các trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị viễn thông rà soát, đảm bảo chất lượng hệ thống đường truyền Internet, xây dựng các đội xử lý sự cố khi tổ chức dạy học trực tuyến. Cần đảm bảo chuẩn bị tốt các yêu cầu cần thiết để học sinh bắt đầu năm học mới trong điều kiện dịch bệnh.
Ngân Nguyễn