Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật ngày: 12/08/2016 10:09:13
ĐTO - Phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì vậy trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp luôn chú trọng đến việc phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học (GDTH) và trung học cơ sở (THCS), tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ (XMC) cho người lớn.
5 năm qua, việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập GDTH và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và XMC cho người lớn đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai, quán triệt, thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, bằng nhiều hình thức đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, qua đó đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội về giáo dục và phổ cập giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi học mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 được chú trọng và đạt kết quả vượt trội. Toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập GDMN. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở GDMN giảm mạnh và bền vững. Tỉnh đã đầu tư xây dựng cho ngành học mầm non 403 phòng học, 536 phòng chức năng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục và phổ cập được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Số cơ sở GDMN đạt chuẩn Quốc gia tăng, số địa phương đạt chuẩn về GDMN cho trẻ 5 tuổi được hoàn thành và duy trì. Tỉnh đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn của phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, số địa phương đạt chuẩn về phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi đạt 100%. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thẩm định và ra quyết định công nhận.
Đến nay đã có 100% xã, phường, thị trấn và huyện, thị xã, thành phố duy trì chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Phổ cập THCS tiếp tục củng cố có hiệu quả theo chiều sâu kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, số học sinh THCS trong độ tuổi đến trường tăng, tỷ lệ học sinh lưu ban và bỏ học ở các cấp học giảm mạnh; nâng tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi và 36 tuổi trở lên; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tăng lên.
Tỉnh đã tập trung đầu tư các nguồn lực cho công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ và phân luồng học sinh. Đầu tư xây dựng cho cấp Tiểu học và THCS 926 phòng học, 753 phòng chức năng, bổ sung trang thiết bị trị giá 129.613,16 triệu đồng. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trình độ đào tạo và chất lượng giáo viên được cải thiện, số trường và địa phương đạt chuẩn phổ cập GDTH và THCS được duy trì. Nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện phân luồng học sinh, các cơ sở đào tạo, dạy nghề và giáo dục thường xuyên từng bước được sắp xếp lại. Hiện tỉnh có 3 Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, 2 Trung tâm Giáo dục thường xuyên do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, 7 Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên do UBND cấp huyện quản lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như: tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDTH và THCS mức độ 1 từ năm 2005, 2006 nhưng đến nay chưa có đơn vị cấp huyện nào đạt chuẩn mức độ 2. Tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi vào nhà trẻ chưa đạt theo chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ huy động học sinh Tiểu học hoàn thành chương trình Tiểu học lớp 6 chưa đạt theo quy định. Công tác phân luồng học sinh sau THCS chưa đạt chỉ tiêu, chưa có giải pháp rõ nét để đẩy mạnh việc phân luồng sau THCS. Việc sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo, dạy nghề và giáo dục thường xuyên vẫn còn nhiều bất cập, bộc lộ một số hạn chế cần tiếp tục lãnh đạo khắc phục.
Để tiếp tục duy trì và phát triển những kết quả đạt được, trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng chủ trương của Đảng về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập GDTH và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và XMC cho người lớn. Xác định công tác phổ cập giáo dục các cấp học, phân luồng học sinh và XMC gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó các giải pháp phải được thực hiện thường xuyên, chủ động và linh hoạt; các cấp ủy và chính quyền các cấp phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào việc thực hiện công tác này. Đưa công tác phổ cập giáo dục thực sự hiệu quả, bền vững, nhằm phát triển nhanh nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
HOAN HUYỀN