Đã đến lúc thay đổi tư duy về giáo dục con người

Cập nhật ngày: 06/11/2013 05:50:34

Lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Khoa học xã hội (KHXH) trong nhà trường phổ thông tỉnh Đồng Tháp quy mô lớn. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 1/11 - 2/11/2013, quy tụ gần 200 người là giảng viên Trường Đại học KHXH và Nhân văn TPHCM, giáo viên các trường THPT, THCS trong tỉnh. Mục tiêu hội thảo hướng đến là tìm hướng đi cho việc thực hiện giảng dạy các môn KHXH trong nhà trường phổ thông, cụ thể hóa Nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ XI nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng, hướng đến giáo dục toàn diện con người.


Hội thảo Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Khoa học xã hội
quy tụ các chuyên gia đến từ TPHCM

Làm rõ thực trạng

Theo Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh - Khoa Giáo dục học Trường Đại học KHXH&NV TPHCM, các môn KHXH góp phần rất quan trọng trong việc tạo môi trường, cung cấp chất liệu để xây dựng con người.... Các môn KHXH được giảng dạy trong trường phổ thông nhằm hình thành, phát triển nhân cách (chuẩn bị để các học sinh (HS) trở thành người lớn); rèn luyện phát huy năng lực nhận thức, phát triển khả năng giao tiếp, kích thích trao đổi, phản biện, trải nghiệm các vấn đề xã hội, đạo đức giúp HS trưởng thành đạo đức, phát triển ý thức, trách nhiệm công dân.

Ý nghĩa tốt đẹp là thế, nhưng sự thật đang diễn ra là HS THPT đang dần quay lưng với các môn KHXH vì nhiều lý do như phương pháp giảng dạy theo kiểu cũ, HS chưa tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu vấn đề, chưa thể hiện năng lực suy nghĩ độc lập, chưa biết cách trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân; chương trình sách giáo khoa (SGK) còn mang nặng tính hàn lâm, lý thuyết, quá tải so với khả năng giảng dạy, năng lực tiếp nhận của giáo viên, HS; trang thiết bị được mua sắm, nhưng chưa sử dụng hiệu quả.

Cô Mã Thị Tâm - giáo viên Trường THPT Đỗ Công Tường, thành phố Cao Lãnh nêu những ảnh hưởng của môi trường xã hội, kết quả học tập của HS đối với các môn KHXH như: HS học quá tải, ngoài giờ học chính khóa các em còn học thêm buổi tối các môn chính (Toán, Lý, Hóa, Anh Văn), không còn thời gian học bài nên các em học môn xã hội (môn Sử) để đối phó hoặc học tủ, môn Sử bị xem là môn phụ... Sự quay lưng của HS khi tiếp nhận những kiến thức hay, bổ ích của các môn KHXH đã ảnh hưởng đến việc giáo dục thẩm mỹ, thái độ ứng xử khi giao tiếp với bạn bè, gia đình, cộng đồng xã hội.

Những cái được sau hội thảo

Hội thảo Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH trong nhà trường phổ thông, một điểm nhấn quan trọng cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) hiện tại và tương lai.

Hơn 2 năm chuẩn bị cho sự ra đời của hội thảo, người giữ vai trò cầu nối là đồng chí Lê Minh Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Quang Minh - Viện trưởng Viện quản trị Đại học, cố vấn cao cấp của Đại học Quốc gia TPHCM. Từ nỗi trăn trở về GD&ĐT Đồng Tháp hiện tại và tương lai, hai ông phối hợp chuẩn bị để hội thảo được ra đời đúng thời điểm, quy mô và đúng với mong muốn của ngành giáo dục, giáo viên và HS. Từ năm 2013 đến năm 2018, Đại học Quốc Gia TPHCM (Trường Đại học KHXH&NV TPHCM), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp sẽ hợp tác.

Theo đó, ngoài những nội dung tập huấn, cập nhật thông tin chuyên môn liên quan đến công tác giảng dạy, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM sẽ hỗ trợ các trường THCS, THPT trong tỉnh những tài liệu chuyên ngành liên quan đến các môn KHXH tại hệ thống thư viện. Đồng thời hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học đối với những giáo viên giảng dạy các môn KHXH có mong muốn được học tập, nghiên cứu chuyên sâu phục vụ cho công tác chuyên môn.

Phó giáo sư - Tiến sỹ Lê Quang Minh cho biết: “Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chúng tôi xác định phương pháp giảng dạy môn KHXHNV còn yếu, từ đó dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Sau hội thảo các chuyên gia sẽ giúp cho giáo viên của tỉnh tiếp cận những phương pháp giảng dạy mới, sinh động, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh khó khăn chủ yếu rơi vào cơ chế, và lãnh đạo tỉnh phải xắn tay vào để giải quyết từng bước những khó khăn đó...”.

Chia sẻ quyết tâm của mình, đồng chí Lê Vĩnh Tân - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng: “Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn KHXH không nằm ngoài mục tiêu của đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế mà hội nghị Trung ương 8 khóa XI vừa mới thông qua. Đó là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, có hiểu biết, sáng tạo làm chủ bản thân, sống tốt, làm việc hiệu quả, thực học, thực nghiệp. Tỉnh cần có sự đón đầu, đi trước, Đồng Tháp phải là nhóm các tỉnh tiên phong đi đầu về giáo dục cả nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo sự phát triển bền vững...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn