Đào tạo gắn kết với đơn vị tuyển dụng lao động, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên

Cập nhật ngày: 16/12/2020 08:08:38

Đối với các trường đại học, năm 2020 đang khép lại với nhiều thách thức và cơ hội. Thế giới việc làm, thị trường lao động luôn biến động và thay đổi nhanh, tình hình dịch bệnh có những diễn biến khó lường... đòi hỏi trách nhiệm xã hội và năng lực nghiên cứu phát triển của trường đại học ngày càng cao. Để chủ động trong tình hình mới, Trường Đại học Đồng Tháp tập trung thực hiện giải pháp đẩy mạnh đào tạo gắn kết với đơn vị tuyển dụng lao động, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên, tiếp tục hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.


Một góc giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp

Theo đó, trường sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu xã hội, chủ động kết nối, tìm kiếm và giới thiệu cơ hội việc làm cho sinh viên. Đồng thời trong hoạt động đào tạo, trường tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng trong quá trình xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập cho sinh viên và đánh giá đầu ra theo hướng phát triển năng lực người học và nhu cầu xã hội; hướng đến mục tiêu xây dựng các chương trình đào tạo trình độ cao, chất lượng cao và tiếp tục chú trọng thu thập và xử lý kết quả đánh giá của nhà sử dụng lao động đối với cựu sinh viên của trường, để có sự nghiên cứu, đánh giá toàn diện.

Đối với các ngành đào tạo sư phạm, trường tăng cường kết nối với các cơ sở giáo dục và các trường phổ thông trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, trường phát triển các chương trình đào tạo sư phạm theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người giáo viên, tăng khối lượng thực hành kỹ năng nghề, giảm lý thuyết, đáp ứng tốt với thực tiễn sư phạm ở các địa phương, theo chương trình giáo dục phổ thông mới và dự báo các xu hướng phát triển mới trong tương lai.

Đối với các ngành đào tạo ngoài sư phạm, chương trình đào tạo được thiết kế trên cơ sở tham khảo mô hình các trường đại học tiên tiến trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng sự tham gia của bên liên quan, nhà sử dụng lao động, thích ứng tốt với những thay đổi của thực tiễn kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, trường chủ động kết nối, tìm kiếm và cung cấp thông tin tuyển dụng và hỗ trợ người học tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khảo sát, lấy ý kiến người học, cựu người học, nhà sử dụng lao động về các hoạt động của trường để có những điều chỉnh phù hợp.

Cùng với quy định chuẩn đầu ra đối với người học được cập nhật, nhà trường tiếp tục bổ sung “chuẩn công tác xã hội dành cho người học” để gắn kết sinh viên với cộng đồng, tổ chức thường xuyên các lớp học chuyển giao kinh nghiệm làm việc, các khóa đào tạo kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức để đưa môn học kỹ năng tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp sáng tạo vào giảng dạy và chia sẻ cho sinh viên của trường.

Một nhiệm vụ trọng tâm của trường trong năm học 2020 - 2021 là tiếp tục tăng cường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với các chương trình cụ thể và giải pháp đồng bộ mang lại hiệu quả thiết thực, cam kết có nhiều sản phẩm khởi nghiệp được ra mắt và tham gia thị trường. Bên cạnh đó, trường sẽ bổ sung nội dung “tăng cường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp” vào chiến lược, kế hoạch phát triển của trường giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; bố trí chuyên đề về khởi nghiệp là chuyên đề bắt buộc và tự chọn trong chương trình đào tạo; tăng số lượng cán bộ kiêm nhiệm được đào tạo kiến thức, kỹ năng về công tác tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hỗ trợ kinh phí và phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Mô hình giáo dục đại học mới có sự kết nối nhà trường – người học - nhà quản lý – đơn vị sử dụng lao động với nhau, đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào trường học để nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp việc dạy và học diễn ra mọi lúc mọi nơi. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo – nghiên cứu, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong người học, nâng cao năng suất lao động với hàm lượng tri thức công nghệ cao. Trong kỷ nguyên mới, vai trò của người thầy có sự dịch chuyển từ chỗ chủ yếu trao truyền kiến thức, sang vai trò là người truyền cảm hứng, phương pháp tự học trong môi trường số hóa, đồng thời là cố vấn thông thái để giúp người học tự rèn luyện để trở thành công dân tốt.

DIỆU ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn