Giáo viên kỳ vọng gì ở Thông tư 30 sửa đổi?
Cập nhật ngày: 01/09/2016 09:32:44
Vẫn còn những ý kiến băn khoăn Thông tư 30 sửa đổi vẫn chưa hết bất cập nhất là khi đánh giá học sinh vào cuối kỳ và cuối năm.
Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào năm học mới 2016-2017. Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công bố Thông tư 30 (sửa đổi) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học.
Nhiều ý kiến giáo viên và chuyên gia giáo dục cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 30 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đã giảm bớt áp lực nhận xét cho giáo viên. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến băn khoăn Thông tư 30 sửa đổi vẫn chưa hết bất cập nhất là khi đánh giá học sinh vào cuối kỳ và cuối năm.
Thông tư 30 vẫn quy định đánh giá học sinh bằng nhận xét
Theo dự thảo Thông tư 30 (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ quy định đánh giá học sinh tiểu học thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số nhưng không yêu cầu hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động sử dụng hình thức nhận xét phù hợp.
Nhiều ý kiến của giáo viên đồng tình với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi một số quy định còn hạn chế của Thông tư 30. Theo đó, sẽ giúp cho giáo viên cấp tiểu học, nhất là giáo viên dạy bộ môn phụ như: âm nhạc, vẽ, thể dục, giảm tải bớt áp lực khi phải ghi nhận xét từng học sinh vào vở và sổ theo dõi chất lượng giáo dục; hạn chế tình trạng nhận xét học sinh một cách máy móc, hay viết giấy khen từng mặt cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên tại Trường tiểu học Dân Hòa, huyện Thanh Oai – Hà Nội cho biết: “Khi đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, giáo viên gặp rất nhiều bất cập, như nhận xét mất nhiều thời gian. Thông tư được sửa đổi, tôi phấn khởi thấy mình được giảm bớt phần đánh giá học sinh, để tạo điều kiện thời gian làm tốt công việc giảng dạy”.
Điểm mới trong Thông tư 30 (sửa đổi) là thay vì đánh giá học sinh cuối năm Đạt hay Không đạt như trước đây, thì nay được lượng hóa cụ thể theo các mức A, B, C. Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên về chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh đối với từng môn học để đánh giá học sinh giữa và cuối kỳ; đồng thời đánh giá kèm điểm số bằng các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm.
Trong đó, học sinh lớp 4, lớp 5 sẽ có thêm hai bài kiểm tra giữa kỳ môn Toán, Tiếng Việt. Với việc sửa đổi này, nhiều giáo viên cho biết, những quy định về chuẩn kiến thức, năng lực, phẩm chất theo mức A, B, C là đã rõ hơn trước đây nhưng vẫn còn rất trừu tượng, chung chung. Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn theo định tính, mơ hồ và mẫu thuẫn trong việc đánh giá thường xuyên và bài kiểm tra cuối kỳ.
Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội phân tích: “Bây giờ, điểm số của các con là 9 điểm mà đánh giá là A, thế nhưng trong khi nhận xét định kỳ thường xuyên của các con có khi lại không được A. Mỗi năm có một đợt kiểm tra định kỳ vào cuối năm thì 5, 6 là ở mức B; 7, 8, 9, 10 ở mức A chẳng hạn; còn C là không hoàn thành. Tôi vẫn băn khoăn là trước đây có Thông tư 30 thì vẫn có điểm định kỳ, không phụ thuộc vào đánh giá thường xuyên. Đánh giá thường xuyên khác đánh giá định kỳ, thực ra chúng tôi thực hiện đến năm thứ hai vẫn bỡ ngỡ”.
Đánh giá cao tính thiết thực của việc sửa đổi Thông tư 30, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục vẫn còn băn khoăn việc khi triển khai cần đồng bộ, thống nhất và có tính hệ thống quốc gia, đảm bảo khắc phục được triệt để những hạn chế trước đó, tránh tình trạng phải sửa đổi tiếp, gây tâm lý không tốt cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.
Theo PGS.TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hình thức đánh giá học sinh, xếp theo mức A, B, C thay cho việc đánh giá là đạt, hoàn thành tốt… vẫn gần như là giống nhau; chỉ thay đổi hình thức cách gọi. Để đánh giá được học sinh một cách toàn diện, cần kết hợp những hình thức như đánh giá định tính, đánh giá định lượng, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào nói: “Thông tư 30 có định tính nhưng thiếu một nửa là định lượng, mà định tính - định lượng phải gắn với nhau. Cũng có người cho rằng, cách đánh giá cũng có định lượng khi một học kỳ có bài kiểm tra, song một bài kiểm tra học kỳ không có ý nghĩa định lượng. Quan điểm của tôi là phải có định lượng, ví dụ Toán được điểm 10 thì điểm 7, giáo viên gạch chân vào để học sinh biết chỗ sai. Một bài kiểm tra học kỳ không đủ để định lượng”.
Theo Thu Hiền (VOV)