Hiệu quả sử dụng mạng xã hội Facebook trong thời gian qua ở Trường Đại học Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 24/08/2016 09:31:14
Ngày nay, học sinh, sinh viên có khả năng và điều kiện tiếp nhận, lĩnh hội thông tin mạng một cách nhanh chóng và cũng chịu ảnh hưởng ở chiều ngược lại nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải học sinh, sinh viên nào cũng sử dụng, lĩnh hội và truyền tải thông tin một cách phù hợp. Tận dụng thế mạnh do công nghệ thông tin và mạng xã hội để phục vụ đời sống, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, là một yêu cầu nảy sinh từ thực tiễn. Trong thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp đã quan tâm và sử dụng tiện ích của Facebook (FB) mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hỗ trợ hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học, thông tin liên lạc.
Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp khai thác tiện ích của Facebook để liên lạc, tham gia các nhóm học tập và văn nghệ, thể thao theo sở thích
Trang FB chính thức của Trường Đại học Đồng Tháp hiện có hơn 12.000 lượt thích, trung bình có khoảng 2.000 lượt xem và tương tác mỗi ngày. Theo dữ liệu thống kê tự động, trang FB của trường có đối tượng tham gia và tương tác chủ yếu ở độ tuổi từ 18 - 24 (chiếm tỉ lệ 89%); thiết bị truy cập chủ yếu là thiết bị di động (78%); nội dung trao đổi, chia sẻ chính yếu là các thông tin về học vụ, nghiên cứu khoa học, tư vấn tuyển dụng và giải đáp những thắc mắc trong quá trình học tập... Các trang FB của Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên trường, các khoa chuyên môn, Phòng Công tác sinh viên, Phòng Đào tạo, các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ kỹ năng, câu lạc bộ và nhóm sở thích... cũng có nhiều thành viên tham gia.
Hiệu quả mang lại từ việc sử dụng tiện ích của FB để phục vụ việc thông tin, liên lạc, tuyên truyền, hỗ trợ việc học tập, chia sẻ tài nguyên học liệu, nghiên cứu của sinh viên, tìm kiếm việc làm... là rất đáng ghi nhận, như “một kênh truyền dẫn” mới, hữu dụng trong thời gian qua, nhất là từ năm 2010 đến nay. Trong khoảng thời gian đó, nhà trường cũng đã có hình thức nhắc nhở, góp ý 38 trường hợp “facebooker” (hiểu theo nghĩa: người sử dụng FB) là sinh viên về việc đã sử dụng FB chưa đúng cách, gây ảnh hưởng không tốt đến các cá nhân và tập thể khác, ở những mức độ khác nhau.
Phải thừa nhận rằng những ứng dụng tốt của FB, tự thân đã góp phần mang lại hiệu quả hỗ trợ hoạt động học tập, hoạt động quản lý sinh viên, hạn chế được việc phải sử dụng quá nhiều văn vản in bằng giấy; nhiều cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên đã khai thác tiện ích của FB mang lại để phục vụ nghiên cứu khoa học rất hiệu quả. Nhà trường thành lập Ban Quản trị FB của trường cùng với đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên đều khắp, hoạt động trung bình từ 16/24 giờ/ngày, do Hiệu trưởng làm trưởng ban. Ban Quản trị FB đã kịp thời hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, góp ý, tư vấn cho các facebooker. Vào đầu khóa đào tạo và định kỳ, nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về nội dung khai thác, sử dụng thông tin trên internet và sử dụng FB đúng cách.
FB thật sự hữu ích khi được sử dụng phù hợp, trong hoạt động dạy và học, quản lý học viên, sinh viên, học sinh; đặc biệt là có thể góp phần “thấu hiểu”, “nắm bắt” và “định hướng” tư tưởng, tình cảm của người học, khi FB đã thật sự tạo ra được sức hút mạnh mẽ đối với người dùng (đặc biệt là giới trẻ, chủ yếu là sinh viên và học sinh), và đó là hoàn toàn là một “nhu cầu tự nhiên”: “muốn” và “thích” sử dụng, thay vì “phải” sử dụng. Đa số những Facebooker sinh viên của Trường Đại học Đồng Tháp đồng thời là những “hạt nhân phản biện” có hiệu quả và đáng tin cậy trên diễn đàn FB. Thời gian qua, cán bộ, giảng viên của trường luôn làm tốt vai trò “đồng hành” và “dẫn đường” trên diễn đàn mạng xã hội và FB đối với sinh viên của mình.
Hiện nay, theo thống kê chưa chính thức, ở Việt Nam cứ trung bình khoảng 3 giây là có một tài khoản FB được tạo mới, các mạng xã hội đang thu hút hơn 37 triệu người dùng. FB với khả năng tương tác cao, đa tiện ích, đang dần trở thành “một phương tiện truyền thông đa phương tiện và đa quần chúng”. Nhiều người có nhận xét một cách thú vị rằng: Hiện tại, đã và đang có một cuộc “dịch chuyển” lớn trong công nghệ - từ máy tính để bàn sang máy tính xách tay, mà mạnh mẽ hơn là, từ máy tính xách tay sang máy tính bảng và điện thoại thông minh. Vì vậy, các mạng xã hội (trong đó có FB) đã tạo được chỗ đứng khá vững vàng và phát triển không ngừng. Cho nên, các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo, cũng cần thiết tận dụng những tiện ích “không thể phủ nhận” từ cuộc dịch chuyển này mang lại.
NGUYỄN VĂN NGHIÊM