Tuyển dụng giáo viên cho năm học mới
Hướng đến chất lượng
Cập nhật ngày: 22/08/2016 13:33:53
ĐTO - Số lượng tuyển giáo viên (GV) ít, yêu cầu cao về chất lượng tuyển dụng, do đó những ứng viên (ƯV), sinh viên (SV) ra trường muốn vào ngành sư phạm không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà cần đủ chuẩn ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải đáp câu hỏi của giáo viên về thuyên chuyển
Trước đây, SV muốn vào ngành sư phạm chỉ cần thi tuyển, hoặc nộp hồ sơ chờ phân công đơn vị công tác, nhưng từ năm 2011 đến nay, việc tuyển dụng GV đặt ra yêu cầu cao, theo phương châm “Thầy giỏi - trò giỏi”. Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT dự kiến tuyển dụng 61 viên chức gồm GV THPT, giáo dục thường xuyên, GV trường khuyết tật, thư viện viên. Thời gian tuyển dụng vào khoảng giữa tháng 9/2016. Ở những vị trí này, ngoài các điều kiện cơ bản về lý lịch, chính trị, sức khỏe, văn bằng, chứng chỉ phù hợp với vị trí cần tuyển, GV THPT có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2), tương đương trở lên; GV tiếng Anh phải có trình độ ngoại ngữ bậc 5 (C1) hoặc tương đương trở lên và trình độ ngoại ngữ thứ 2 phải đạt bậc 2 (A2) hoặc tương đương, có chứng chỉ tin học văn phòng từ trình độ A trở lên; GV trường THPT chuyên, cần có thêm điều kiện nguyên là học sinh (HS) các lớp chuyên đạt giải HS giỏi cấp tỉnh trở lên, tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy loại khá, hoặc giỏi, có bằng thạc sĩ đúng chuyên môn của bằng đại học sư phạm; GV Tiểu học có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học, trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy, có trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1), có chứng chỉ tin học văn phòng từ trình độ A trở lên. Riêng vị trí tuyển dụng là thư viện viên trường THPT, ngoài các chứng chỉ chuyên ngành, cần ngoại ngữ A1, chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên. Tuy nhiên để tạo điều kiện cho ƯV tự tin khi dự tuyển các vị trí GV THPT nếu chưa đủ điều kiện về ngoại ngữ thì tạm thời nộp chứng chỉ ngoại ngữ khác thay thế. Cụ thể, GV THPT phải có chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ B trở lên; GV Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, thư viện viên thì phải có chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ A trở lên. Đối với các trường hợp này, Sở GD&ĐT vẫn nhận hồ sơ dự tuyển, sau đó sẽ trình UBND tỉnh xem xét.
ƯV vào ngành có thêm nội dung thực hành gồm làm bài khảo sát chuyên môn, báo cáo chuyên đề; riêng môn Thể dục, Tin học, Tiểu học, Thư viện chỉ thực hành báo cáo chuyên đề chuyên môn. ƯV làm bài khảo sát chuyên môn 90 phút, giải 1 đề thi, kết quả phải đạt 50 điểm trở lên, sau đó tiếp tục phần báo cáo chuyên đề về chuyên môn trong thời gian không quá 15 phút. ƯV vào trường chuyên phải làm 1 bài kiểm tra là đề thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, HS tham gia dự tuyển cấp Quốc gia; thực hành giảng dạy 2 tiết/lớp.
Như vậy, việc tuyển dụng GV trong năm 2016, số lượng hạn chế, đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ từ A cho đến C1 đối với GV chuyên ngành ngoại ngữ. So với những loại văn bằng ngoại ngữ khác, tiêu chuẩn ngoại ngữ 6 bậc, theo Khung năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam do Bộ GD&ĐT ban hành buộc ƯV phải học ngoại ngữ nghiêm túc, không thể đối phó “cho có bằng” nộp như trước đây. Đối với những ƯV có bằng thạc sĩ tốt nghiệp tại 1 trong 15 đơn vị trường đại học, học viện ưu tiên đào tạo trình độ sau đại học theo Quyết định 1117/QĐ-UBND-HC của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Việc chỉ tuyển dụng 61 viên chức vào ngành GD&ĐT trong năm 2016 được xem là con số khá khiêm tốn. Bởi trung bình mỗi năm có hơn 1.000 SV sư phạm ra trường, điều này đồng nghĩa với việc các em phải tự tìm những công việc khác ngoài ngành. So với trước đây, việc tuyển dụng có nhiều thay đổi về cơ chế thực hiện, hướng đến yêu cầu cao hơn so với những đơn vị sự nghiệp khác. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng cao chất lượng GD&ĐT, ổn định chất lượng đào tạo các cấp, hướng đến việc đào tạo HS giỏi khu vực, toàn quốc, đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các đề án trọng điểm của tỉnh thì việc siết đầu vào của ngành GD&ĐT là điều nên làm. Thầy giỏi sẽ từng bước tạo ra trò giỏi. Việc phân tích, đánh giá hiệu quả từng GV, trường, địa phương trong lĩnh vực GD hiện nay của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cho thấy việc vận hành hướng đến chất lượng trong toàn ngành đã có bước thay đổi. Điều đáng nói là từ năm 2011 đến nay, Sở GD&ĐT đã công khai chỉ tiêu tuyển dụng và dự báo số lượng tuyển dụng hàng năm trên Website của Sở GD&ĐT để các ƯV, HS có nhu cầu thi tuyển vào ngành nắm bắt, từ đó có hướng chọn ngành nghề phù hợp...
C.Phương