Hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Cập nhật ngày: 07/04/2017 09:17:02
ĐTO - Theo UBND tỉnh, hoạt động giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2011-2016 chuyển biến đáng kể, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn với việc phát triển mạng lưới trường học, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (GD); đầy đủ các ngành học từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học; chất lượng GD được đảm bảo, công tác phổ cập GD, xóa mù chữ thực hiện đúng lộ trình, duy trì vững chắc kết quả.
Người nước ngoài tham gia chương trình dạy ngoại ngữ trong trường học
Hàng loạt các chương trình, dự án, chính sách phát triển liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT được UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua: mức thu, miễn, giảm học phí đối với cơ sở GĐ thuộc hệ thống GD quốc dân; đề án nâng cao chất lượng GD tỉnh Đồng Tháp; quy hoạch về phát triển nhân lực tỉnh; nghị quyết về mức thu, chế độ miễn, giảm, quản lý và sử dụng học phí đối với cơ sở đào tạo; quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh... Các nội dung được thông qua đã tạo đà cho ngành GD&ĐT hoàn thành tốt công tác quản lý, điều hành, hoạt động chuyên môn, đảm bảo chất lượng GD. Đối với giáo dục mầm non, kết quả đã tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, tỷ lệ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ huy động ra lớp năm 2016 đạt 22,8%; mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi tỷ lệ huy động đạt 78,8%, mẫu giáo 5 tuổi huy động đạt 99,9%. Các cơ sở GD mầm non được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đồ chơi, đồ dùng dạy học; trẻ được chăm sóc, giáo dục tốt, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo dao động từ 1,9% - 2,5%. Tỉnh khuyến khích các cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư cho GD mầm non. Hiện có 5 dự án trường mầm non tư thục đang xây dựng với quy mô 60 nhóm, lớp và các phòng chức năng tại TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự, tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. GD phổ thông vẫn duy trì ổn định tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, cụ thể cấp Tiểu học, THCS dao động từ 94,50% đến trên 99%, cấp THPT dao động ở mức trên 50%.
Điểm nổi bật mà ngành GD&ĐT thực hiện trong thời gian qua là việc triển khai các mô hình mới ở cấp Tiểu học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: việc dạy và học 2 buổi/ngày, triển khai chương trình ngoại ngữ trong trường học với sự tham gia của giáo viên nước ngoài... Hầu hết các trường THPT, Phòng GD&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng GD, chủ động chọn nội dung, xây dựng chủ đề dạy học trong mỗi môn học, tích hợp, liên môn; áp dụng việc kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh, đa dạng hóa các phương pháp đánh giá, gắn với giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.
So với nhiều tỉnh, thành phố khác trong khu vực, ngành GD&ĐT Đồng Tháp đã chủ động triển khai dạy và học ngoại ngữ theo lộ trình của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008-2020; nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ tiếng Anh cho giáo viên trong tỉnh theo lộ trình đến năm 2020, thí điểm dạy học chương trình tiếng Anh 10 năm tại các trường THCS, THPT; thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động các Hội đồng bộ môn, nội dung sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy, học hiệu quả; đa dạng hóa các loại hình đáp ứng yêu cầu người học đối với hoạt động giáo dục thường xuyên, thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập”, Đề án “Xóa mù chữ”; chủ động liên kết, đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng, đại học. Với những nỗ lực của toàn ngành GD&ĐT, số trường đạt chuẩn Quốc gia đối với cấp mầm non là 42 trường, Tiểu học 88 trường, THCS 54 trường, THPT 24 trường.
Năm 2017, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính GD để huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước; nâng cao tính tự chủ của các cơ sở GD; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện dạy học, thực hiện tốt chế độ học phí, kêu gọi, khuyến khích thực hiện các hoạt động xã hội hóa GD.
C.Phương