Hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Cập nhật ngày: 16/12/2021 05:31:23
ĐTO - Từ đầu năm 2021 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm hoạt động giảng dạy của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) tạm gián đoạn. Nhưng với sự chủ động, linh hoạt của các đơn vị, đến tháng 12/2021, các CSGDNN đã cơ bản hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, việc làm.
Học sinh Trường Trung cấp Tháp Mười (huyện Tháp Mười) trong giờ học thực hành
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo, định hướng nghề nghiệp gắn với nhu cầu việc làm và thị trường lao động. Đồng thời chú trọng công tác liên kết phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong hoạt động tư vấn, vận động học sinh, người lao động tham gia học nghề, việc làm. Tiếp tục công tác phân luồng, khảo sát, vận động học sinh tham gia đăng ký học nghề, học ngoại ngữ và tham gia đăng ký chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sở LĐ-TB&XH đã phát động các hoạt động thi đua chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động” trong các CSGDNN. Cùng với công tác triển khai, thực hiện theo kế hoạch, các phòng chuyên môn trực thuộc Sở LĐ-TB&XH thường xuyên hỗ trợ các CSGDNN trong công tác phối hợp tư vấn, tuyển sinh, đào tạo; tổ chức các hoạt động gặp gỡ doanh nghiệp, công ty trong, ngoài nước. Phối hợp cùng các sở, ngành thẩm định năng lực của các công ty, doanh nghiệp đến Đồng Tháp tuyển dụng, chế độ chính sách, nơi làm việc. Mỗi năm đều tổ chức khảo sát thực tế tại công ty, doanh nghiệp để đánh giá môi trường làm việc thực tế mà người lao động Đồng Tháp đang làm việc. Thông qua việc thẩm định năng lực của Sở LĐ-TB&XH, các CSGDNN đã mạnh dạn duy trì và phát triển hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác đào tạo tay nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là các công ty, doanh nghiệp có thương hiệu uy tín, có nhu cầu mở rộng dây chuyền sản xuất và tuyển dụng số lượng lớn công nhân.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết việc làm cho học viên, người lao động sau khi hoàn thành khóa học, các CSGDNN đã tăng cường công tác gắn kết chương trình đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng, có phẩm chất đạo đức tốt và tác phong chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các CSGDNN còn phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các đơn vị trường bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp. Mỗi phiên thu hút từ 70 người -100 người tham gia tìm kiếm cơ hội việc làm trong, ngoài tỉnh và đăng ký tham gia chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong các phiên giao dịch việc làm, các CSGDNN đã mạnh dạn đăng ký cho học sinh đang học tại trường tham gia tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp qua việc gặp gỡ đại diện công ty, nghiệp đoàn có nhu cầu tuyển dụng.
Ngoài công tác tuyển sinh, đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng, các CSGDNN còn thực hiện liên kết đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu học liên thông chương trình đại học (ĐH) với hình thức vừa học, vừa làm. Tại Trường Trung cấp Hồng Ngự, năm 2021, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm liên kết đào tạo Trường ĐH Cần Thơ tổ chức lớp ĐH chuyên ngành Luật, Kế toán bằng hình thức đào tạo trực tuyến. Phối hợp với Trung tâm liên kết đào tạo Trường ĐH Đồng Tháp hoàn thiện trình độ ĐH đối với chuyên ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non. Phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long chiêu sinh các lớp ĐH hệ vừa học vừa làm chuyên ngành kỹ thuật điện – điện tử. Ngoài ra, còn duy trì hình thức dạy và học liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học.
Với những cách làm hiệu quả trên trong công tác tuyển sinh, đào tạo, năm 2021, các CSGDNN trong toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo được 15.178 học viên, đạt 101,19% so với kế hoạch năm (bao gồm đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng). Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 71,72%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51,44%. Tỷ lệ học sinh, học viên sau khi ra trường có việc làm đạt trên 90%; riêng đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%; 100% số lao động được đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp sau khi hoàn thành thời gian học được nhận vào làm việc tại doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.
H.An