Hiệu quả từ chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học
Cập nhật ngày: 06/07/2016 16:40:45
ĐTO - Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và đào tạo nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thành các đề tài NCKH có tính ứng dụng cao.
Giáo viên Ngoại ngữ tham gia khóa bồi dưỡng năng lực do Trường Đại học Cần Thơ liên kết tổ chức
Trong NCKH, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Tháp chủ động phối hợp với các viện, khoa chuyên ngành của Trường ĐHCT định hướng các đề tài NCKH phục vụ cho nhu cầu thực tiễn, vận dụng vào đời sống sản xuất. Đã có 19 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, công nghệ sinh học, kinh tế - xã hội được thực hiện, có 14 đề tài được nghiệm thu cấp tỉnh. Hầu hết các đề tài khoa học công nghệ sau khi nghiệm thu được đưa vào ứng dụng thực tế sản xuất như đề tài: “Nâng cao năng suất và chất lượng của xoài rải vụ ở huyện Cao Lãnh”; “Nghiên cứu các giải pháp phòng trị sâu bệnh hại trên một số loài hoa kiểng chính ở Tân Quy Đông - Sa Đéc”... Ngoài việc hỗ trợ NCKH, Sở KH&CN chủ động mời 78 lượt nhà khoa học có trình độ chuyên ngành phù hợp tham gia vào các hội đồng tư vấn, góp ý. Với sự phối hợp tư vấn, đóng góp, thực hiện đề tài NCKH của đội ngũ chuyên gia ĐHCT, một số đề tài đã được thực hiện sản xuất theo quy trình như chuẩn VietGAP đối với cây lúa (huyện Tam Nông), cây xoài (huyện Cao Lãnh), đang thực hiện đối với cây chanh Tàu (huyện Cao Lãnh, Châu Thành), cây ớt (huyện Thanh Bình).
Trong hoạt động liên kết, đáng ghi nhận là định hướng hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, với chương trình Mekong 1.000, các ứng viên được tuyển chọn, bồi dưỡng, đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Từ năm 2007 - 2012, Trường ĐHCT đã hỗ trợ, xúc tiến đưa đi học ở nước ngoài 46 người, trong đó có 44 người đã về nước và công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh, Trường ĐHCT đã xúc tiến chọn trường cho các ứng viên là 8 hồ sơ, hiện có 3 ứng viên đi học ở nước ngoài, 2 ứng viên đã về nước. Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp còn liên kết với Trường ĐHCT đào tạo liên thông cao đẳng lên đại học các ngành: bảo vệ thực vật, kế toán, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thực phẩm qua các hình thức đào tạo: liên thông, đào tạo từ xa, vừa học vừa làm. Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ của ĐHCT bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên Tiểu học, THCS, THPT, nâng chuẩn cho hơn 1.400 giáo viên.
Trong định hướng phát triển hiện nay, sự đóng góp của các nhà khoa học trong các hoạt động nghiên cứu, phản biện các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản rất quan trọng. Do vậy, sắp tới ngoài các dự án trong nước, khi có những dự án quốc tế phù hợp với điều kiện của Đồng Tháp, Trường ĐHCT sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho Đồng Tháp tham gia. Đối với Chương trình MeKong 1.000, Trường ĐHCT sẽ cập nhật thông tin, tiếp tục bồi dưỡng tiếng Anh, liên kết đào tạo với các ngành học, bậc học liên quan đến chương trình đào tạo đến với các ứng viên, người dân có nhu cầu. Sau thời gian phối hợp hiệu quả, hiện nay chương trình hợp tác hai bên tiếp tục được thực hiện chuyên sâu vào các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo hướng đến việc chuyển giao, huấn luyện đội ngũ giảng viên tại địa phương.
C.PHƯƠNG