Hướng đến việc sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Dạy nghề

Cập nhật ngày: 05/12/2012 04:25:45

Để nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) và Trung tâm Dạy nghề (TTDN) tháng 7/2012, UBND tỉnh có công văn về việc hợp nhất TTGDTX và TTDN trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập đoàn kiểm tra khảo sát, đánh giá thực trạng của các TTGDTX, TTDN, đề ra lộ trình thực hiện việc sáp nhập giữa TTGDTX và TTDN

Với hệ giáo dục thường xuyên, ngoài việc tổ chức các lớp học văn hóa, liên kết đào tạo tin học, ngoại ngữ, năm học 2011-2012, Sở GD&ĐT còn thực hiện thí điểm việc giảng dạy bổ túc văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề tại các TTGDTX huyện Cao Lãnh, TTGDTX và kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh; đồng thời cũng thực hiện việc sáp nhập trung tâm văn hóa học tập cộng đồng huyện, thị, thành một đơn vị độc lập. Các đơn vị thực hiện thí điểm đã từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Đáng chú ý là việc tổ chức hội giảng, thao giảng, ôn tập bồi dưỡng học sinh...

Trên lĩnh vực dạy nghề, toàn tỉnh hiện có 10 TTDN, trong đó có 8 TTDN công lập, 2 TTDN tư thục và 3 Trường trung cấp Nghề. Các đơn vị dạy nghề thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đào tạo nghề nông thôn, ngắn hạn, dài hạn, dạy nghề theo địa chỉ góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh thuận lợi, hoạt động TTGDTX, TTDN vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: một số TTGDTX còn thiếu cơ sở vật chất, TTDN còn khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Để khắc phục những hạn chế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh xây dựng Đề án sáp nhập TTGDTX và TTDN thành TTGDTX-Hướng nghiệp-Dạy nghề. Thực hiện đề án này, Sở GD&ĐT đã khảo sát tất cả TTGDTX và TTDN trong tỉnh, đa số các đơn vị đều thống nhất chủ trương sáp nhập.

Sau kiểm tra khảo sát, Sở GD&DT kiến nghị UBND tỉnh sáp nhập TTGDTX vào TTDN, Trường trung cấp Nghề gồm huyện Tháp Mười, Thanh Bình, Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự, huyện Lấp Vò. Các địa phương nêu trên sau khi sáp nhập cần có mặt bằng mới để đủ diện tích bố trí thêm các phòng chức năng, xưởng thực hành phục vụ cho việc dạy và học. Các địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Cao Lãnh, huyện Châu Thành, huyện Lai Vung, huyện Hồng Ngự, huyện Tam Nông cần được UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng TTGDTX, TTDN.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn