Huyện Cao Lãnh
Nỗ lực duy trì chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở

Cập nhật ngày: 28/11/2012 13:31:02

Huyện Cao Lãnh là một trong những địa phương được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao về công tác phổ cập giáo dục (PCGD) THCS. Đến năm 2012, toàn huyện có 18/18 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS.


Học sinh Trường THPT Cao Lãnh II trong giờ ra chơi

Để đạt được kết quả trên, huyện Cao Lãnh đã thành lập Ban chỉ đạo chống mù chữ - PCGD Tiểu học, THCS từ huyện đến xã. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã thành lập tổ giáo viên phụ trách theo địa bàn khóm, ấp từ cấp Tiểu học đến THCS. Giáo viên tại các tổ chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể theo dõi kết quả học tập của học sinh, có biện pháp giúp đỡ các em kịp thời, nhờ đó huy động được học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh ổn định, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Nếu như năm học 2001-2002 tỷ lệ học sinh bỏ học của huyện chiếm 5,4% thì đến năm học 2011-2012 tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn 1,28%.

Thực hiện công tác PCGD THCS, có 5 giáo viên ở 5 trường THPT trong huyện phụ trách công việc này. Trung bình 1 giáo viên, phụ trách từ 2 đến 6 xã để nắm thông tin và có hướng vận động, huy động học sinh ra lớp. UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học tại địa phương. Công tác vận động học sinh tham gia vào các lớp bổ túc được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức như mở các lớp PCGD THCS dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, qua đó có một số đơn vị làm tốt như: xã Bình Thạnh, Phong Mỹ, Ba Sao, Mỹ Hội, Tân Hội Trung, Phương Thịnh. Đối với một số trường hợp học sinh đi lại khó khăn, UBND xã, thị trấn tận dụng các Trung tâm học tập cộng đồng, hoặc nhà dân để mở các lớp bổ túc THCS vào các buổi chiều, tối.

Với những cách làm trên, trong 2 năm 2011 và 2012, mỗi năm huyện Cao Lãnh mở từ 4 đến 5 lớp với số học viên dao động từ 70 - 82 học viên. Nâng tổng số lớp được mở và học viên tham gia học tập các lớp PCGD THCS từ năm 2002 (công tác huy động học sinh ra lớp phổ cập được thực hiện) đến năm 2012 là 341 lớp, với 5.735 học viên. Đa số học sinh thuộc đối tượng vận động PCGD THCS là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để hỗ trợ giúp đỡ học sinh này, từ năm 2001 đến nay, huyện Cao Lãnh đã huy động sự đóng góp của nhân dân trên 30 tỷ đồng giúp đỡ học sinh nghèo, có nguy cơ bỏ học qua việc cấp phát học bổng, tặng quà...

Từ năm 2012 và những năm tiếp theo huyện Cao Lãnh tiếp tục duy trì đạt chuẩn PCGD THCS tại 18 xã, thị trấn; tiếp tục duy trì các lớp bổ túc văn hóa kết hợp với dạy nghề, duy trì sỉ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học bậc THCS dưới 2%. Ban chỉ đạo PCGD THCS các trường thường xuyên đi công tác cơ sở, kiểm tra nắm bắt kịp thời những thuận lợi, khó khăn để có hướng khắc phục. Các đơn vị trường, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên quan tâm, tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh, tâm lý của học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo, học sinh cá biệt để có biện pháp giúp đỡ kịp thời...

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn