Khi kỹ sư, cử nhân “học lùi”
Cập nhật ngày: 06/09/2016 06:13:26
ĐTO - Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” trên thị trường lao động hiện nay đã khiến hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm phù hợp. Nhiều người đành phải “học lùi” trình độ trong các trường dạy nghề để tìm cơ hội lập thân, lập nghiệp cho mình.
Trần Minh Phước và Nguyễn Thị Thủy Tiên trong giờ thảo luận nhóm lớp Trung cấp Thú y tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm
“Học lùi” để tìm việc làm
Theo anh Nguyễn Văn Vũ - Phó phòng Đào tạo nghề Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) Đồng Tháp, 3 năm trở lại đây, Trung tâm tiếp nhận rất nhiều trường hợp cử nhân, kỹ sư đã tốt nghiệp đại học không có việc làm vào học nghề hoặc đăng ký đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện có 14 cử nhân, kỹ sư đang “học lùi” từ trình độ đại học xuống hệ cao đẳng hoặc trung cấp các nghề: kế toán, thú y, bảo vệ thực vật tại Trung tâm. Anh Vũ cho biết: “Nhiều phụ huynh muốn con em học đại học để “nở mày nở mặt”, nhưng nhiều em ra trường không có việc làm phải vào học nghề trở lại. Do mất nhiều thời gian, chi phí và phải học lại từ đầu, nhiều em tỏ ra hối tiếc”.
Tốt nghiệp đại học ngành Nuôi trồng thủy sản từ năm 2013, nhưng Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 1991) ngụ ấp 6B, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười không tìm được việc làm phù hợp. Sau hơn 2 năm làm đủ thứ nghề như: tiếp thị sản phẩm, bán bảo hiểm xe máy, phụ giúp gia đình..., Thủy Tiên chọn “học lùi” Trung cấp Thú y hệ tại chức tại Trung tâm DVVL Đồng Tháp để tìm cơ hội việc làm cho mình. Thủy Tiên cho biết: “Em đã vay gần 20 triệu đồng để học đại học, hiện vẫn chưa trả hết. Học nghề thấy sát với thực tế, đồng thời học ngành thú y nếu không đi làm được, em cũng có thể chăn nuôi tại nhà”. Do Thủy Tiên học đại học nhưng không có việc làm, gia đình đã định hướng cho Ngọc Thảo (SN 1997, em gái Thủy Tiên) học nghề thú ychung với Thủy Tiên tại Trung tâm DVVL Đồng Tháp.
Trường hợp của anh Trần Minh Phước (SN 1986) ở ấp 4, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh đáng chú ý hơn. Gia đình Phước có 5 anh em theo nghề nông. Vì thế, khi Phước tốt nghiệp đại học ngành Khoa học môi trường năm 2011, anh là niềm hãnh diện không chỉ của gia đình mà còn là tấm gương cho trẻ em ở địa phương noi theo. Thế nhưng sau nhiều năm bôn ba khắp nơi với đủ thứ nghề, Phước quyết định vào học lớp Trung cấp thú y với Thủy Tiên.
Phước tâm sự: “Cùng lớp đại học với tôi có hơn 40 người nhưng đi làm đúng ngành nghề chỉ có 4 người, còn lại thì có người giữ trẻ hoặc làm bán thời gian những công việc ở trình độ phổ thông. Học đại học không phải là con đường duy nhất để tiến thân, chọn học nghề hiện nay là phù hợp vì học kiến thức thực tế, ra trường có tay nghề, cơ hội việc làm sẽ rất cao”.
Việc nhiều cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm phù hợp đã “học lùi” trình độ tại các trường nghề hiện đang rất phổ biến. Thống kê của Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, hiện nay đang có 4 cử nhân, kỹ sư vào “học lùi” tại trường. Đáng chú ý các bạn này vào học các nghề không có liên quan gì đến các ngành nghề đã học đại học, nên nhiều kiến thức phải học lại từ đầu. Như trường hợp của bạn Hồ Minh Viễn (SN 1993) ngụ xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, tốt nghiệp đại học ngành Quản lý đất đai năm 2015 nhưng hiện“học lùi” cao đẳng ngành kế toán.
Thực trạng buồn
Tâm sự với chúng tôi, Thủy Tiên, Minh Viễn cho biết, đáng ngại cho nhiều học sinh (HS) đang ngồi trên nghế nhà trường là các kiến thức từ việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp tiếp thu được ở nhà trường rất hạn chế. Hiểu biết lơ mơ, chọn nghề theo sở thích hoặc không phù hợp với nhu cầu thị trường nên nhiều sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đành tìm công việc trái ngành, không phù hợp với trình độ. Minh Viễn nói: “Khi học phổ thông nhiều thầy cô phân luồng để HS chọn theo danh sách các ngành nghề, em nào thích thì chọn hoặc hướng dẫn chọn các ngành “hot” ở thời điểm đấy nhưng khi ra trường thì ngành đó rất khó kiếm việc làm”. Cũng theo Viễn, do có tâm lý thích trình độ cao nên nhiều gia đình quyết chọn cho con học đại học, mặc dù các trường nghề dễ tìm kiếm việc làm hơn.
Đối với Nguyễn Thị Thủy Tiên đó là một nguyên nhân khác.“Lúc đầu chọn học ngành nuôi trồng thủy sản là do được định hướng và em cũng thấy thích. Nhưng học xong mới biết ngành này rất kén chọn nữ, thậm chí chủ các ao nuôi cá rất “kỵ” cho nữ vào làm việc.Vì lý do đó nên đa số các bạn nữ học chung lớp em làm trái ngành nghề đã học. Có bạn phải giấu bằng đại học ra Bình Dương làm công nhân, có người không đi làm được phải ở nhà lập gia đình”, Thủy Tiên nói.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Đồng Tháp, tình trạng nhiều cử nhân, kỹ sư “học lùi” rất đáng lo ngại. Vì việc “học lùi” này không chỉ gây tốn kém thời gian, chi phí, tổn hao sức khỏe của người học, gia đình họ mà còn gây ra những áp lực cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. “Có lẽ do ảnh hưởng tâm lý, tuổi tác... nên thái độ và tinh thần học tập của phần lớn các cử nhân không tốt bằng HS vừa tốt nghiệp THPT”, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết chia sẻ.
Để không còn tình trạng “học lùi”
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, để không còn tình trạng cử nhân, kỹ sư “học lùi” trình độ như vừa nêu, các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác hướng nghiệp, quan tâm cho những người chuyên thực hiện công tác việc làm ở các Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm vào định hướng, phân luồng cho HS. Bởi, các Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm sát thực tế nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp và thị trường lao động.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng là giải pháp giải quyết tình trạng “học lùi” trình độ. “HS sau khi tốt nghiệp trung học vào học nghề hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là việc cần thiết góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay.Qua thống kê, có 95% học viên vào học nghề tại Trung tâm DVVL Đồng Tháp ra trường có việc làm ngay. Sau khi tốt nghiệp trung học, các em đăng ký đi lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, sau 3 năm trở về các em dư từ 500 - 600 triệu đồng trở lên. Khi đó, các em có thể đi học tiếp hoặc tự làm chủ, trong khi bạn bè cùng lứa học đại học tốn chi phí gia đình mà không biết ra trường có được việc làm hay không”, bà Minh Tuyết chia sẻ.
Trong năm 2015, Trung tâm DVVL Đồng Tháp đã tổ chức định hướng và hỗ trợ cho 179 HS mới vừa tốt nghiệp THPT đi lao động ở Nhật Bản. Hiện nay cũng có nhiều em đang học định hướng để chờ đi lao động ở nước ngoài.
Nhiều phụ huynh đã chọn con đường đưa con đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thay vì học đại học như trước. Như gia đình ông Hồ Văn Cường (SN 1968) ở ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò có con trai là Hồ Huỳnh Thi (SN 1993) đi lao động tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp ngành cao đẳng xây dựng nhưng không tìm được việc làm trong nước. Hiện gia đình ông Cường đang tiếp tục đăng ký cho con trai thứ 2 là Hồ Trọng Nhân (SN 1996) sang Nhật Bản làm việc, dự kiến đến ngày 19/9/2016 Nhân sẽ có mặt tại Nhật Bản để làm việc.
Tình trạng cử nhân, kỹ sư đăng ký “học lùi” trình độ như hiện nay cho thấy thị trường lao động đang có sự dịch chuyển lớn, những lao động có trình đại học đã và đang dư thừa. Theo số liệu thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố ngày 1/7/2016, trong quý 1/2016 cả nước có đến 72.000 cử nhân đang thất nghiệp, đến quý 2/2016 con số này đã tăng lên đến 162.000 người, cho thấy xã hội đang trong giai đoạn “thừa thầy” khá lớn. Từ thực trạng “học lùi” trình độ như vừa nêu, đòi hỏi các cấp, các ngành và các bậc phụ huynh cần nghiên cứu thấu đáo khi quyết định chọn trường, chọn nghề của con em mình khi các em rời trường phổ thông.
Trần Ngọc