Lại bàn về giảm tải chương trình giáo dục phổ thông
Cập nhật ngày: 16/09/2021 15:26:21
ĐTO - Trong thời gian gần đây, sách giáo khoa mới đã dấy lên nhiều bàn luận về chất lượng nội dung (nhất là dư luận phản bác, phê phán) mà tiêu biểu là ý kiến xung quanh bài thơ “Bắt nạt” (trong tập Ra vườn nhặt nắng, 2017) của Nguyễn Thế Hoàng Linh được chọn đưa vào sách giáo khoa lớp 6 mới (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống do Bùi Mạnh Hùng làm tổng chủ biên, Nguyễn Thị Ngân Hoa chủ biên). Trên báo chí chính thống và mạng xã hội đã đăng rất nhiều, ở đây, xin không nêu lại những ý kiến ấy.
Trong bài viết này, chỉ tập trung bàn về số lượng và dung lượng nội dung, liên quan đến một vấn đề cốt lõi và quan trọng của giáo dục Việt Nam hàng mấy thập kỷ nay: giảm tải nội dung chương trình và sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông. Đây là vấn đề không chỉ lung linh tính lý luận, tính học thuật mà còn nóng bỏng tính thực tiễn, tính thời sự. Nó không chỉ liên quan trực tiếp đến chất lượng của từng cá nhân người dạy, người học mà cao hơn, còn thể hiện một cách sinh động bộ mặt tiên tiến và triết lý nhân văn của một nền giáo dục.
Không biết từ khi nào, hình như bắt đầu từ sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (năm 1975) thì phải, chương trình và sách giáo khoa phổ thông, từng bước, từng bước, cứ ngày một dày thêm, nặng thêm. Không phải là nó không bị phát hiện và đã tìm mọi cách khắc phục. Nhưng như một căn bệnh nan y, càng khắc phục, sửa chữa, rút gọn, dường như nó càng dày hơn, nặng hơn dưới nhiều hình thức. Giải thích điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, mà ai cũng thấy, đó là, những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa, hầu hết, tuy được thừa nhận bằng những học hàm, học vị cao, song đều là những người đang tại vị ở các vụ, viện, trường đại học... không hoặc rất ít vốn thực tiễn, nơi hoạt động dạy - học ở trường phổ thông đang diễn ra. Đã không ít đề xuất, đề nghị rằng: trong các hội đồng biên soạn chương trình và sách giáo khoa phổ thông, phải cơ cấu một nửa hoặc chí ít là một phần ba những giáo viên giỏi các cấp. Chắc chắn tiếng nói thực tiễn của họ sẽ kéo giảm sự quá tải, khiến chương trình và sách giáo khoa sẽ vừa sức, phù hợp và tương thích hơn. Lại có ý kiến đề xuất: cần tổ chức các cuộc thi biên soạn chương trình và sách giáo khoa, qua đó tuyển chọn được những bộ có chất lượng tốt nhất để phục vụ dạy - học (như một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đã làm). Nhưng hình như, chưa bao giờ những tiếng nói ấy được lắng nghe và chấp nhận một cách nghiêm túc, thực lòng...
Vì vậy mới có những bộ chương trình đồ sộ, quá nhiều môn học. Trong từng môn học thì cũng đưa vào bộn bề kiến thức, tri thức (mà thiếu nhiều kỹ năng học tập, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng làm người...). Trên tờ báo online dantri.com.vn (ngày 3/9/2020) đã trưng ra một bức ảnh (chụp danh mục bộ sách và tài liệu tham khảo lớp 1 gồm 25 cuốn (trong đó có khoảng 11 cuốn sách giáo khoa), tổng giá cả là 807.000 đồng, từ một trường Tiểu học tại TP Hồ Chí Minh) khiến chúng ta vô cùng sửng sốt và không thể không xót xa. Sực nhớ thuở đi học lớp 1, tôi (và chắc nhiều người thuộc các U từ 50 - 80) chỉ có từ 1 - 5 cuốn sách cho tất cả các môn suốt năm học (học vừa đủ, hành và chơi nhiều), mà thương các cháu 6 tuổi hiện nay vô cùng!
Để hy vọng từng bước khắc phục căn bệnh “quá tải”, tiếp tục những đề xuất trước đây, lần này tác giả bài viết lại kiên trì đưa ra mấy ý kiến cụ thể hơn sau đây:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải mời cho được đội ngũ giáo viên giỏi - những người hiện trực tiếp đứng lớp - tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa. Chương trình mới đã có vì đã quyết định rồi nên thay đổi ngay là khó. Bây giờ, chí ít và tốt nhất là mời họ, cùng với các chuyên gia có uy tín nhất về chuyên môn, tham gia biên soạn sách giáo khoa... (năm nay đã lỡ rồi thì viết cho các năm sau, lớp sau). Tôi tin rằng, nếu làm như vậy, chất lượng sách giáo khoa chắc chắn là tốt lên rất nhiều, chí ít cũng phù hợp, tương thích với thực tiễn dạy - học hiện nay hơn.
Thứ hai, chương trình giáo dục phổ thông của lần cải cách này đã thông qua và quyết định rồi, nên không thể cắt bớt môn học cho các lớp, nhất là các lớp tiểu học. Giờ chỉ còn cách tốt nhất là cắt bớt dung lượng kiến thức, tri thức (thêm phần kỹ năng) trong từng bộ sách cụ thể (đương nhiên là cho năm học 2022 - 2023 trở đi). Ví dụ, trong chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh phải tiếp cận, đọc - hiểu tới 5 - 7 tác phẩm thơ của cùng một chủ đề, một giai đoạn, một khuynh hướng... nào đó, giảm tải là phải rút lại chỉ còn 2 - 3 tác phẩm chọn lọc, tiêu biểu, hay nhất (đã được thẩm định qua thời gian). Chỉ cần dạy - học cho đạt, cho “tới bến” 2 - 3 tác phẩm đó thôi (như cách giảng dạy trước đây) thì kết quả, hiệu quả chắc chắn sẽ gấp bội. Ôm đồm, dàn trải, tham lam bất cứ điều gì, bao giờ cũng thất bại! Thực tiễn dạy - học mấy chục năm trước đã chứng minh rõ điều đó.
Thứ ba, phải trao cho người thầy quyền tối thượng quyết định việc giảm tải nội dung để có những tiết dạy - học “nhẹ nhàng” nhưng hiệu quả nhất. Người phụ trách và chỉ đạo chuyên môn không nên áp đặt, máy móc, cứng nhắc, khiến giáo viên “lo sợ”, triệt tiêu sức sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy của họ.
Cuối cùng, phải làm cuộc cách mạng triệt để trong thi cử, nhất là thao tác ra đề thi. Đã đến lúc cáo chung việc ra đề thi bê nguyên xi những gì có trong chương trình, trong sách giáo khoa. Đề thi phải là cái mới, không có trong sách giáo khoa, nhưng tương đương với mô hình, mô - típ đã được học. Có như vậy, một mặt, đánh giá đúng thực chất năng lực thẩm thấu bài học và sự sáng tạo của người học, xóa bỏ bệnh copy trong làm bài, nạn “đề mẫu”, “văn mẫu”..., mặt khác, đây là một trong những biện pháp vừa giảm tải hữu hiệu, vừa phát huy kỹ năng tự chủ, làm chủ của người học - một trong những kỹ năng làm người tối quan trọng.
Giảm tải nội dung chương trình và sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông là một câu chuyện dường như chưa có hồi kết... Rất mong những người làm giáo dục các cấp, luôn đặt nó lên hàng đầu để thực thi một cách tốt nhất sứ mệnh “trồng người”, tất cả vì con em chúng ta.
TAO ĐÀN