Lời khuyên của giảng viên Tâm lý học dành cho thí sinh thi THPT
Cập nhật ngày: 14/06/2017 15:54:50
ĐTO - Ngày 22/6 tới, hơn 12.000 thí sinh (TS) chính quy và tự do trong toàn tỉnh sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Bên cạnh ôn luyện củng cố kiến thức thì việc giữ vững tâm lý cũng rất quan trọng đối với tất cả TS.
Phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Trần Văn Thọ - Giảng viên Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Đồng Tháp nhằm giúp TS ổn định tâm lý để có được kết quả cao nhất.
* PV: Theo Thạc sĩ, yếu tố tâm lý có ảnh hưởng thế nào đến TS?
Thạc sĩ Trần Văn Thọ
- Thạc sĩ Trần Văn Thọ (T.V.T.): Theo phương án tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay diễn ra sớm hơn mọi năm (từ ngày 22 - 24/6/2017), có những bài thi mới là bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đã làm không ít TS lo lắng với những đổi mới đó.
Rất nhiều TS bị áp lực trước kỳ thi, dẫn đến lo lắng, quên bài, sai lỗi và không đạt được kết quả như mong muốn. Những yếu tố bên ngoài như: thời tiết, địa điểm thi, ăn uống, cảm xúc của người thân... có thể sẽ dẫn đến áp lực cho các bạn TS. Chính vì vậy nếu không giải tỏa được tâm lý, TS khó hoàn thành bài thi theo ý muốn và sự kỳ vọng của phụ huynh.
* PV: Vậy Thạc sĩ có những chia sẻ gì để TS giải tỏa áp lực, ổn định tâm lý?
- Thạc sĩ T.V.T.: Để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi, bên cạnh việc ôn luyện thật kỹ các nội dung đã được học trong chương trình, các TS cần chuẩn bị vững vàng về mặt tâm lý, tư tưởng.
Thứ nhất, TS nên có niềm tin vào bản thân, đừng tự kỷ mà tạo cảm giác nặng nề cho bản thân. Sự cân bằng, ổn định tâm lý và tự tin sẽ giúp các em bình tĩnh, phát huy năng lực của mình khi làm bài thi. Để đạt được kết quả thi tốt, hãy bình tĩnh, tự tin và thật thoải mái! Có rất nhiều TS cảm thấy lo sợ, áp lực, mất niềm tin cho rằng mình quên bài khi ngày thi cận kề. Trong khi đó, cũng có những bạn chọn cách chào đón mùa thi một cách thoải mái nhất, xem đó như một ngày rất “bình thường” để được thể hiện tài năng, kiến thức đã rèn luyện, học tập. Chính cách suy nghĩ này, làm cho tinh thần các bạn tốt hơn, tự tin chinh phục những bài toán khó hay viết lên những bài văn cảm động với những thông điệp cuộc sống ý nghĩa.
Thứ hai, ôn tập kết hợp với nghỉ ngơi, vui chơi giải trí một cách hợp lý. Để tránh tạo căng thẳng, áp lực trong việc ôn tập, TS nên sắp xếp thời gian học và thời gian thư giãn xen kẽ. Hơn nữa, trước thời điểm thi, TS thường cố học thật khuya (có nhiều em không biết uống cà phê cũng cố uống để thức), như vậy sẽ khiến cho tinh thần cũng như cơ thể mệt mỏi, dễ ốm, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống trong dịp thi cử này cũng rất quan trọng. Để bước vào kỳ thi với sức khỏe tốt, trí tuệ minh mẫn, TS cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và tuyệt đối không được bỏ bữa. Trong các bữa ăn, phụ huynh nên chọn cho con em mình thực phẩm tươi sống, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng.
Thứ ba, tập trung ôn tập môn thi tiếp theo hay nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng thay vì day dứt về kết quả môn thi đã qua. Hơn 50% TS khi đi thi đều thiếu tự tin vào kết quả làm bài của bản thân và luôn lo sợ người khác làm đúng, còn mình sai và tâm lý buông xuôi xuất hiện. Các TS nên nhớ, nếu bạn luôn cố gắng, không buông xuôi, bạn sẽ có thêm cơ hội. Hầu như đa phần TS sau buổi thi đều mất thời gian, tâm trí cho vấn đề trao đổi, nghe ngóng với TS khác về kết quả của môn này. Càng trao đổi, bạn càng nhận ra, mỗi người một ý và không ai giống mình, điều này làm bạn lo lắng, mang nặng tâm lý thất vọng, chán nản. Lời khuyên cho các bạn là sau khi kết thúc môn thứ nhất, hãy nghỉ ngơi, ăn uống, tĩnh tâm và ngủ trưa khoảng 30 phút để đầu óc được thoải mái và bước vào môn thi mới.
* PV: Ngoài tâm lý, theo Thạc sĩ đâu là yếu tố quan trọng nữa giúp TS tự tin bước vào phòng thi?
- Thạc sĩ T.V.T.: Theo tôi, việc chuẩn bị ôn tập tốt sẽ giúp TS cảm thấy an tâm, tự tin. Người ta thường nói, để có một kết quả tốt thì phụ thuộc vào việc chuẩn bị ôn tập. Khi các em chuẩn bị ôn tập tốt có nghĩa là đã thành công 50%. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều TS ôn tập không có kế hoạch. Cụ thể, các em không kịp thời ôn tập thường xuyên, thường đợi tới gần ngày thi mới dành ít ngày để ôn môn này, vài ngày cho môn khác.
Càng đến thời điểm cận thi, TS cần phân bổ thời gian học cho hợp lý, không nên học dồn dập, một ngày học hai đến ba môn dễ gây nhàm chán và mệt mỏi. Đó là chưa kể tới việc các em vận dụng phương pháp ôn tập chưa tốt thay vì ôn xen kẽ nội dung, học ôn các môn khoa học xã hội thì nên lấy ngay các môn khoa học tự nhiên ra làm bài tập.
* PV: Lời khuyên nào dành cho phụ huynh TS trước và trong kỳ thi?
- Thạc sĩ T.V.T.: Theo tôi, nếu có điều kiện mỗi gia đình cần để cha, mẹ đi cùng con trong kỳ thi quan trọng này. Sau mỗi buổi thi, những lời động viên kịp thời không chỉ giúp các em giải tỏa căng thẳng, áp lực mà còn tiếp thêm năng lượng, giúp các em tự tin thể hiện khả năng của mình khi bước vào kỳ thi. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực cho con cái mình như đặt câu hỏi “Con làm bài tốt không?” ngay khi các em thi xong. Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không trách mắng khi con không làm được bài.
Phụ huynh hãy quan tâm chăm sóc về tinh thần, sức khỏe hay việc đưa đón, trò chuyện, động viên các em đúng lúc, chừng mực. Động viên tinh thần cho con cái không chỉ giúp các em giải tỏa căng thẳng, áp lực mà phụ huynh còn tiếp thêm năng lượng, sự tự tin để các em bước vào kỳ thi mang tính bước ngoặt của cuộc đời...
PV: Xin cảm ơn!
P.L (thực hiện)