Quốc hội thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội: “Nóng” về "bỏ biên chế" giáo dục

Cập nhật ngày: 10/06/2017 07:34:13

Tại buổi thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngày 9/6, nhiều đại biểu đã đề cập đến các vấn đề của lĩnh vực đang nóng hổi hiện nay là giáo dục. Cơ chế cho giáo dục mầm non, chính sách cho giáo viên và học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vấn đề bỏ biên chế giáo viên… đã được nhiều đại biểu nêu ra.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp một số vấn đề về giáo dục

Không bỏ quên khối mầm non, học sinh khó khăn vùng sâu, vùng xa…

Đại biểu Nguyễn Thị Quyền Thanh (Vĩnh Long) đưa ra thực trạng hiện nay là đội ngũ giáo viên mầm non chưa được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng mặc dù dễ gặp rủi ro nghề nghiệp do trẻ còn quá nhỏ, lao động khá đặc thù, có nhiều khó khăn trong quản lý giáo dục, nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi trong chính sách tiền lương. Đại biểu đề nghị cần có sự quan tâm đặc biệt. Đại biểu cung cấp con số cả nước hiện có hơn 14.000 trường mẫu giáo mầm non với trên 4 triệu trẻ em và hơn 400.000 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Theo chủ trương gần đây, cho dù giáo viên đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn vẫn phải hưởng mức lương theo vị trí việc làm nên thu nhập thấp, chưa đủ trang trải cho cuộc sống, nhất là giáo viên mới ra trường. Điều này đã làm giảm động lực phấn đấu của phần lớn giáo viên mà hiện nay đến cuối năm hoặc năm 2015-2016, cả nước còn thiếu khoảng hơn 34.000 giáo viên mầm non.


Đại biểu Nguyễn Thị Phúc tại buổi thảo luận sáng 9/6

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đồng ý với ý kiến này khi thông tin rằng kể từ năm 2005 tới nay, giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ đào tạo trên chuẩn không được hưởng lương theo bằng cấp đào tạo do văn bản hướng dẫn quy định của các bộ, ngành về tiêu chuẩn ngạch, bậc chưa ban hành nên việc tổ chức xếp hoặc thi nâng ngạch cho giáo viên chưa thực hiện được. Bà kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Bộ Nội vụ tổ chức xếp nâng ngạch cho giáo viên sau khi đã đáp ứng được điều kiện của Thông tư liên tịch số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ. Với giáo viên mầm non, chưa có văn bản hướng dẫn dạy ngoài giờ cho những thời điểm chưa bố trí được giáo viên, người dạy bị thiệt thòi. Thông tư số 06 năm 2015 không quy định biên chế giáo viên cho một lớp, cho những lớp ghép. Thực tế thì những giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn phải dạy lớp ghép và điều này dẫn tới tính thiệt thòi cho biên chế, cho giáo viên đó và khó khăn trong chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ.

Vấn đề chính sách cho học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa cũng được các đại biểu nhắc đến. Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề cập việc thực hiện các chính sách theo Nghị định 116 ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã thôn đặc biệt khó khăn. Hiện nay có nhiều thôn, bản, xã thuộc huyện nghèo đã hoàn thành chương trình 135 chuyển từ khu vực 3 sang khu vực 2, do vậy đối tượng học sinh thuộc con hộ nghèo có hộ khẩu tại khu vực này theo đó sẽ không được tiếp tục hưởng các chế độ chính sách theo Quyết định 116. Tuy nhiên, tại Điểm 2 Điều 3 phần 2 Nghị quyết 30A có quy định tất cả các xã thuộc các huyện nghèo đều được hưởng các cơ chế chính sách quy định như đối với xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 giai đoạn 2.

Thực tế hiện nay các trường vẫn tổ chức nuôi dưỡng học sinh, vì vậy đa số học sinh này đều là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn, không có tiền để đóng học phí và không có điều kiện đi về trong ngày vì nhà xa trường học. Những học sinh nếu không tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ thì nguy cơ bỏ học của các em rất cao. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho phép các địa phương tiếp tục áp dụng và thực hiện chế độ, quy định tại Nghị định 116 đối với các đối tượng học sinh này.

Bà Nguyễn Thị Phúc cũng đề nghị Chính phủ xem xét hợp nhất các chính sách của Nghị định Chính phủ như Nghị định 61 ban hành năm 2006, Nghị định 19 năm 2013 và một số nghị định khác về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thành chính sách hỗ trợ chung, đồng thời gộp các loại phụ cấp, trợ cấp thành một loại phụ cấp theo từng mức và ở từng lĩnh vực cụ thể.

“Nóng” vấn đề biên chế

Cho rằng chủ trương chuyển đổi cơ chế từ công chức, viên chức sang hợp đồng là đúng đắn, nhưng bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng cần phải có lộ trình, và cần lưu ý đặc biệt đến khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi mà cả giáo viên và học sinh đều còn gặp nhiều thiệt thòi. Một đại biểu khác trả lời phỏng vấn bên lề cũng cho rằng việc chuyển đổi biên chế này cần phải hỏi đến mong muốn, nguyện vọng của giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhưng đã thực hiện điều đó hay chưa?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lại bày tỏ mong muốn Chính phủ thận trọng trong triển khai chủ trương này. Ông cho biết: "Về vùng cao, nếu trên đường các đại biểu gặp những giáo viên, bác sĩ thì họ không phải vì tiền, mà vì yêu nghề vẫn ở lại với bà con, họ cố gắng làm việc với niềm tin sẽ được nằm trong biên chế nhà nước. Nếu bỏ công chức trong giáo dục và y tế thì cần những cơ chế, chính sách hết sức cụ thể cho từng vùng miền, tránh sụp đổ mạng lưới mà chúng ta dày công xây dựng". Ngoài ra, ông cũng cho rằng, nếu trao quyền quá lớn cho các hiệu trưởng, giám đốc bệnh viện, mà không có sự tuyển chọn kỹ càng, sẽ dễ xảy ra tiêu cực.


Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tại buổi thảo luận ngày 9/6

Giải đáp các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đưa ra, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khẳng định, muốn nâng cao được chất lượng giáo dục thì phải có nguồn lực và động lực. Trong đó động lực đối với giáo viên và quản lý các nhà giáo là hết sức quan trọng. Thực tế với chế độ công chức, viên chức như hiện nay còn nhiều bất cập, bất cập rõ nhất là vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là phổ thông. Cho nên việc tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt là chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa, thiếu cục bộ rất nhiều.

Bộ trưởng cho rằng, động lực phần nhiều giáo viên tâm lý là vào biên chế cho ổn định, chưa chú trọng đến nâng cao kiến thức, đặc biệt về phẩm chất, năng lực để đáp ứng được nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không được nâng cao. Chúng tôi mới đặt vấn đề nghiên cứu để đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động và trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm. Ông cũng khẳng định rằng, năng lực đội ngũ phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và năng lực phẩm chất dạy theo phương pháp mới, có thể kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt được yêu cầu mới.

“Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ lộ trình bước đi như thế nào để phù hợp với điều kiện của các cơ sở và tâm lý của giáo viên và chúng tôi thực hiện một cách căn cơ” – ông nói.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, trước hết sẽ thí điểm ở khu vực các trường đại học vì đây là khu vực thuận lợi trong chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang mô hình tự chủ, sau đó từng bước thực hiện.

Về các chính sách liên quan đến giáo viên và học sinh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa…, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biệt đã ghi nhận và đề nghị Chính phủ quan tâm.

Theo Khánh Nguyên - Ảnh: Duy Linh (Nhân Dân)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn