Vì sao trẻ lười đọc sách?

Cập nhật ngày: 01/06/2017 13:10:00

Trẻ em Việt Nam đang có xu hướng lười đọc sách, thay vào đó là chơi games, xem phim hoạt hình trên các thiết bị điện tử,...

Việc nhiều trẻ em không hứng thú đọc sách mà dành nhiều thời gian chơi game, xem phim ngày càng trở nên đáng ngại.
Khi được hỏi về việc đọc sách, Nguyễn Khoa Đăng, 10 tuổi, học sinh của một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh rất hồn nhiên chia sẻ, bản thân không có hứng thú. Khoa Đăng nói: "Thời gian rảnh rỗi con thường chơi games, đó là những games thể loại hành động 18+ như Ivil factory, Người Mexico bay, Pokemon... nhiều lắm. Ở nhà thi thoảng ba mẹ cũng hướng dẫn con đọc sách nhưng con không thích".

Sự xuất hiện ngày càng nhiều games online hấp dẫn, kích thích tinh thần thích phiêu lưu mạo hiểm, trí tưởng tượng bay bổng khiến phần đông trẻ em thờ ơ với hoạt động khác, trong đó có việc đọc sách.

Nhiều bậc phụ huynh đang cố gắng giúp con trẻ xa rời games online, hạn chế tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại bằng cách hướng các em đến với sách. Nhiều nhóm khuyến đọc dành cho trẻ ra đời như: Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, nhóm Hội quán các bà mẹ, nhóm Không gian đọc, nhóm Cùng con đọc sách... với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi nổi đã tăng cường sự giao lưu giữa các ông bố bà mẹ, trẻ em với sách. Tuy nhiên, điều đó chưa cải thiện chất lượng đọc của các em, cụ thể là cường độ đọc và thói quen đọc chưa rõ rệt.

Qua điều tra xã hội học của hệ thống thư viện, trung bình một đứa trẻ Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách trong một năm. Trong khi đó, mỗi trẻ ở Đông Âu, Nhật Bản đọc hơn 40 đầu sách, với độ dày từ 200 trang/cuốn sách, trong một năm. Sách các em đọc cũng chưa phải là những cuốn sách thực sự có giá trị, phần lớn trẻ em đọc nhiều truyện tranh có yếu tố bạo lực, pha những cảnh mô tả về tình yêu luyến ái... Đây là vấn đề đáng lo ngại vì tư duy đọc dễ dãi sẽ dẫn đến những hành động dễ dãi. Nhiều bố mẹ cũng đã cùng con tham gia các sự kiện về sách, mua sách cho con, nhưng việc đồng hành với con trong việc đọc sách thật sự chưa cao.

Để gieo tình yêu đọc sách cho con trẻ, anh Nguyễn Quang Thạch, Chủ nhiệm Chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam”, người đã đưa 19.000 tủ sách đến với từng lớp học trong vòng gần 10 năm qua khẳng định, ngoài trách nhiệm của bố mẹ, không thể thiếu vai trò của nhà trường và các thầy cô giáo. Năm 2010, anh Thạch bắt đầu dự án này với mục đích xây dựng tủ sách tại trường học cho trẻ em cả nước, đặc biệt các vùng nông thôn, hẻo lánh. Trong 1 năm đi bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, anh Thạch mang theo 3 cuốn sách: “Những tấm lòng cao cả”, “Robinson Crusoe”, “Góc sân và khoảng trời”. Phỏng vấn hơn 3.000 trẻ, anh Thạch ghi nhận chỉ có 38 em biết đến cuốn “Những tấm lòng cao cả”, 20 em biết đến cuốn “Góc sân và khoảng trời”, hơn 20 em biết đến cuốn “Robinson Crusoe”. Đây là 3 cuốn đã được đưa vào giáo trình sách giáo khoa để dạy, nhưng học sinh không có sách đầy đủ để đọc nên số lượng người biết đến tác phẩm đó rất ít.

Trách nhiệm của gia đình và nhà trường là hướng con trẻ phải dung hòa tốt với công nghệ, học hỏi sự tiến bộ của công nghệ nhưng phải dành cho mình khoảng thời gian tĩnh lặng để đọc sách. Chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty phát hành sách Anbooks, cũng là một bà mẹ đang nuôi dạy 3 đứa nhỏ ở độ tuổi từ 7 đến 10 tuổi chia sẻ rằng văn hóa đọc ở trẻ em không tự nhiên mà có: “Điều tiên quyết để xây dựng được văn hóa đọc thì bố mẹ phải thực sự ngồi xuống đọc sách, không phải mình đọc cho con mình thấy mà chính mình khi cảm nhận được sự hay của cuốn sách, cảm nhận được tác dụng của cuốn sách tác động ngay chính bản thân mình thì lúc đó bạn tự có cách nói chuyện với con một cách thuyết phục”.

Theo một số chuyên gia giáo dục, bố mẹ nên nỗ lực tạo ra những thói quen đọc sách, cùng con cái dành 30 phút đọc sách hàng ngày, chủ động tìm hiểu các loại sách mà trẻ yêu thích, cùng con đọc và thảo luận những cuốn sách có giá trị. Về phía nhà trường thì cần xây dựng 1 tiết học về đọc sách, giới thiệu những cuốn sách hay, diễn thuyết về một cuốn sách kèm theo những phần quà nhỏ…Đó là động lực thôi thúc trẻ thích sách, khám phá sách. Làm được như vậy, việc hướng trẻ đến với sách, có thói quen đọc sách sẽ không quá khó.

Theo Thùy Dung/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn