Nhà vệ sinh trường bỗng đẹp như sân vườn
Cập nhật ngày: 28/05/2017 13:30:54
Một chiếc áo mới xinh đẹp từ những bức bích họa đã được khoác lên nhiều nhà vệ sinh trường học ở TP Quảng Ngãi.
Tranh thủ sau giờ học, cô trò Trường tiểu học Trần Phú cùng vẽ bích họa - Ảnh: TRẦN MAI
Những bức bích họa này còn trở thành bài học thú vị để học sinh nhớ đi vệ sinh phải rửa tay, hay giữ gìn nhà vệ sinh xanh, sạch, đẹp.
Bích họa chỗ... khó nói
Trường tiểu học Phổ An (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) là nơi ý tưởng độc đáo nói trên được thực hiện đầu tiên. Công trình điểm này được thực hiện với kinh phí hơn 60 triệu đồng. Theo đó, toàn bộ nhà vệ sinh cũ xuống cấp đã được tháo dỡ hoàn toàn, thay vào đó là khu nhà vệ sinh mới khang trang, với những bức vẽ sinh động.
Tường nhà vệ sinh trở thành một bức tranh vui nhộn, đầy màu sắc, đúng với thực tế của địa phương miền biển với những chú cá, bạch tuộc, tôm, cua đang bơi lội tung tăng trong làn nước xanh... Trên bức tranh ấy còn có cả hình ảnh về việc giữ vệ sinh chung ở nhà vệ sinh, để các cô cậu học trò làm theo.
“Các bức bích họa đã làm thay đổi không gian buồn tẻ của nhà vệ sinh và thay đổi luôn ý thức của phụ huynh, học sinh. Thành công này nhờ vào công sức của thầy cô, học sinh, phụ huynh trong hơn một tuần lao động nhiệt tình. Thông điệp mà chúng tôi muốn hướng tới mọi người là việc giữ gìn môi trường biển, không vứt rác bừa bãi” - thầy Nguyễn Văn Tần, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Phổ An, nói.
Tại Trường tiểu học Trần Phú, một bức bích họa tương tự đang trong giai đoạn hoàn thành. Buổi trang trí nhà vệ sinh tại trường này đã thu hút nhiều giáo viên lẫn học sinh tham gia. Các giáo viên mỹ thuật của trường cùng đoàn viên thanh niên phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi đã cùng nhau thảo luận sôi nổi về chủ đề bức bích họa.
Cuối cùng, chủ đề được chọn là những đóa hoa hướng dương vươn mình trong nắng, mang thông điệp “Nhớ rửa tay sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh chung” được hiện thực hóa trên tường nhà vệ sinh của trường.
Cô giáo Ngô Ni Na, giáo viên mỹ thuật của Trường tiểu học Trần Phú, cho biết: “Bức bích họa trên tường dù chưa hoàn thành nhưng đã tạo một diện mạo mới mẻ cho nhà vệ sinh của trường. Từ ngày thực hiện bức bích họa, các em học sinh đã ý thức hơn khi đi vệ sinh, và để các vật dụng trong nhà vệ sinh ngăn nắp chứ không đợi thầy cô nhắc nhở như trước”.
Em Trương Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 5E, vui vẻ nói: “Chúng em rất thích bức bích họa này vì đẹp. Bạn nào cũng muốn giữ cho nhà vệ sinh của trường đẹp như bức họa này”.
Cô giáo mỹ thuật Ni Na, Trường tiểu học Trần Phú, chịu trách nhiệm lên ý tưởng để cô trò chung tay vẽ - Ảnh: TRẦN MAI
Phủ bích họa cho 53 nhà vệ sinh trường học
Việc trang trí nhà vệ sinh trường học là công trình do Hội đồng Đội TP Quảng Ngãi phát động từ đầu tháng 3-2017. Đến nay đã có 15 trường tiểu học và 4 trường THCS trên địa bàn TP Quảng Ngãi bắt tay thực hiện. Tường nhà vệ sinh ở các trường tiểu học Nghĩa Lộ, Nghĩa Dõng... được trang trí các hình ảnh sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh đang có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Ở những trường này, nhà vệ sinh không còn là nơi các em học sinh ngại đến nữa. Học sinh đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, để nhà vệ sinh luôn thông thoáng, trở thành nơi dễ chịu khi đến.
Cô Nguyễn Thị Nga, phó hiệu trưởng Trường Nghĩa Lộ, cho biết: “Chúng tôi lên mạng tìm hiểu thì thấy ở làng Tam Thanh (Quảng Nam) sau khi được nhóm họa sĩ Hàn Quốc vẽ tranh đã trở thành nơi thu hút khách du lịch. Từ đó chúng tôi thống nhất vẽ một bức tranh phủ kín bức tường nhà vệ sinh. Mừng nhất là sự thay đổi từ các em học sinh. Nhà vệ sinh trở thành chỗ chơi đùa, tới lui nên các em có ý thức giữ gìn lắm”.
Chị Nguyễn Thị Minh Thương, phó chủ tịch Hội đồng Đội TP Quảng Ngãi, cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu đến tháng 8-2017, toàn bộ 53 nhà vệ sinh trường học trên địa bàn TP Quảng Ngãi đều hoàn thành công trình “Nhà vệ sinh cho em”, với những bức bích họa sống động, có ý nghĩa giáo dục”.
Với kinh phí thực hiện không cao, từ sự phối hợp giữa nhà trường và Đoàn cấp phường, xã, các nhà vệ sinh đã được chính giáo viên và học sinh của các trường tự tay trang trí, làm đẹp. Đây là cách giáo dục thiết thực, nhận được sự đồng tình của phụ huynh và cộng đồng.
Theo Trần Mai (TTO)