Tiếp tục thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài tại các trường phổ thông năm học 2017-2018

Cập nhật ngày: 12/05/2017 10:58:28

ĐTO - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có kế hoạch thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài tại các trường phổ thông năm học 2017-2018. Kế hoạch được xây dựng dựa trên đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 của Thủ tướng Chính phủ và đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020 của Bộ GD&ĐT.

Đối tượng triển khai thực hiện thí điểm chương trình là một số cơ sở giáo dục phổ thông, tập trung vào các trường Tiểu học, THCS và THPT có xây dựng trường điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ và trường trọng điểm, nhưng đến nay chưa có giáo viên (GV) người nước ngoài tham gia các hoạt động dạy và học tiếng Anh tại trường; đặc biệt các trường có nhiều triển vọng phát triển bền vững xuất phát từ trình độ và năng lực của đội ngũ GV tiếng Anh, cán bộ quản lý, đảm bảo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất của nhà trường, khả năng học tập của học sinh (HS) và sự quan tâm của cha mẹ HS với thời lượng giảng dạy 1 tiết/lớp/tuần. Thời khóa biểu của mỗi lớp được bố trí theo thời khóa biểu chính khóa hoặc học trái buổi với chương trình học chính khóa của HS, tùy theo điều kiện tại mỗi đơn vị triển khai.

Đối với cấp Tiểu học, các đơn vị trường thực hiện chương trình môn tiếng Anh cấp Tiểu học 4 tiết/tuần hiện hành hoặc các giáo trình quốc tế phù hợp khác. Cấp THCS, thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh thí điểm cấp THCS (chương trình tiếng Anh 10 năm) hoặc các giáo trình quốc tế phù hợp khác. Cấp THPT, thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh thí điểm cấp THPT (chương trình tiếng Anh 10 năm) hoặc các giáo trình quốc tế phù hợp khác. GV dạy tiếng Anh được mời tham gia chương trình phải thuộc các quốc tịch: Anh, Mỹ, Úc... là người đến từ các nước nói tiếng Anh, có độ tuổi từ 20-40; có trình độ đại học hoặc trên đại học, có chứng chỉ sư phạm dạy ngoại ngữ quốc tế, có giấy phép lao động; có kinh nghiệm giảng dạy trong nhà trường phổ thông tại Việt Nam ít nhất 3 năm; được phép lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau khi kiện toàn về nhân lực đủ các điều kiện trên, trong năm học 2017-2018 tổ chức giảng dạy tiếng Anh tăng cường với GV nước ngoài tại các trường phổ thông trọng điểm chưa có GV nước ngoài giảng dạy của 3 huyện: Châu Thành, Cao Lãnh và Lấp Vò.

Tại mỗi đơn vị trường học tổ chức ít nhất 5 lớp, mỗi lớp khoảng 30 HS, thực hiện trong cả năm học (35 tuần); mỗi tuần học 1 tiết/lớp; tổng số tiết của mỗi cấp học là 175 tiết/năm học. Thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018. Ngân sách chi 50% kinh phí, người học đóng góp 50% kinh phí. Sở GD&ĐT phấn đấu đến năm 2020 triển khai ít nhất tại 1 trường Tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT của mỗi huyện, thị và thành phố. Mỗi đơn vị tổ chức ít nhất 5 lớp, mỗi lớp khoảng 30 HS, thực hiện trong cả năm học (35 tuần); mỗi tuần học 1 tiết/lớp; tổng số tiết của mỗi lớp là 35 tiết/năm học.

Trước tình hình hội nhập, sự cần thiết về giao tiếp bằng ngoại ngữ hiện nay, ngành GD&ĐT cùng các ngành liên quan hướng đến việc phấn đấu từ năm học 2017-2018, HS của các trường thí điểm tại các huyện, thị xã và thành phố chưa có GV người nước ngoài giảng dạy đạt được những bước tiến nhất định về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh; HS được tiếp cận với GV người bản xứ trong giao tiếp, sinh hoạt và học tập nhằm cải thiện trình độ tiếng Anh của bản thân; phấn đấu đến năm 2020, tại mỗi huyện, thị và thành phố có ít nhất một trường Tiểu học, một trường THCS và một trường THPT có triển khai dạy học tiếng Anh với GV nước ngoài. Ngân sách nhà nước hỗ trợ tại mỗi đơn vị trong thời gian 1 năm học (ngân sách chi 50% kinh phí, người học đóng góp 50% kinh phí), các năm còn lại đơn vị thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn