Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trường nghề

Cập nhật ngày: 03/05/2017 09:29:19

ĐTO - Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện, nâng cấp hoạt động của các trường nghề, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) còn mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý các trường này.


Giáo viên tham gia chấm thi hội thi tay nghề học sinh, sinh viên cấp tỉnh

Hiện toàn tỉnh có 462 cán bộ quản lý, GV trong các trường nghề với trình độ sau đại học, trung cấp. Do tình hình tuyển sinh các nghề nên đôi khi số lượng GV có sự biến động, thừa, thiếu cục bộ. Đội ngũ GV yêu nghề gắn bó với công việc giảng dạy, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chủ động trong chuyên môn. Đa số GV đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có bằng chứng chỉ chuyên ngành, tuy nhiên một số GV vẫn còn thiếu các chứng chỉ sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học.

Đội ngũ GV công tác tại các trường nghề được hưởng chính sách về tuyển dụng, tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng. Các trường thực hiện chính sách tuyển dụng viên chức, GV theo hình thức xét tuyển. Sau thời gian công tác, GV, viên chức được xem xét nâng lương trước thời hạn, được chi trả chế độ thâm niên nhà giáo. Mặc dù hiện nay chưa có chính sách thu hút đặc thù đối với đội ngũ GV, cán bộ quản lý, nhưng một số đơn vị có chính sách riêng, tạo điều kiện cho GV có nguồn thu nhập ổn định, yên tâm công tác. Trong quá trình công tác, chính sách bảo hiểm được đơn vị chi trả kịp thời, đúng quy định đối với người lao động; cân đối thu chi nội bộ, tạo thu nhập tăng thêm để động viên, khuyến khích cán bộ, GV thực hiện nhiệm vụ. Đa số GV trường nghề tâm huyết, gắn bó với đơn vị, học viên, nhiệt tình tham gia đầy đủ các hoạt động phong trào do nhà trường phát động như cắm trại, thể thao, văn nghệ... Một số trường nghề có mối liên kết chặt chẽ với các trường THPT như: Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười hàng năm đều tổ chức tư vấn tuyển sinh, tuyên truyền tại các trường THPT; kết hợp các hoạt động giao lưu thể thao, tạo mối liên kết với học sinh, GV tại các đơn vị. Các thầy cô hoàn thành chương trình giảng dạy theo quy định, tận tình hướng dẫn học viên hoàn thành chương trình, bồi dưỡng học viên dự thi cấp tỉnh, toàn quốc.

Mỗi năm, Sở LĐ-TB&XH đều mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ GV dạy nghề tại các trường, trung tâm. Đến nay, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Cao đẳng Nghề Giao thông Vận tải Trung ương 3 (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức 8 khóa bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, với hơn 500 GV tham dự; cử hơn 500 lượt GV tham gia các lớp nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học. Hiện nay, khó khăn đối với GV dạy nghề là nguồn kinh phí được cấp cho các trường hàng năm còn hạn chế, nên việc thực hiện các chế độ, chính sách gặp khó khăn; chưa có thông tư hướng dẫn phụ cấp đặc thù, ưu đãi, trách nhiệm công việc, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở công lập...

Mặc dù cơ sở vật chất các trường nghề cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học viên, nhưng trước nhu cầu cần lao động chất lượng cao của thị trường trong, ngoài nước, đòi hỏi các trường nghề được đầu tư, nâng cấp nhiều hơn về trang thiết bị giảng dạy phục vụ nhu cầu thực hành của học viên. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thống nhất chỉ tiêu phân luồng tuyển sinh mỗi năm học với định hướng khuyến khích HS tham gia học nghề tại các trường nghề, trung tâm; đáp ứng các ngành nghề mà xã hội đang cần, đòi hỏi đội ngũ GV dạy nghề giỏi nghiệp vụ, thạo kỹ năng. Các trường nghề có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích giáo viên dạy nghề học tập nâng cao trình độ, chủ động tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, toàn quốc.

C. Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn