Trăn trở chuyện khen thưởng học sinh giỏi cuối năm
Cập nhật ngày: 29/05/2017 06:14:45
Học sinh giỏi nhiều quá khiến cả xã hội lo lắng. Bởi giữa thành tích và chất lượng đào tạo hiện nay đang quá xa vời.
Các con có thành tích cao trong học tập, lẽ ra những người làm cha mẹ phải mừng mới phải. Thế nhưng, nhiều người thì mỉa mai, còn cha mẹ thì lo lắng về thành tích học tập của các con. Bởi họ, dù không có chuyên môn sư phạm nhưng bằng sự hiểu biết của mình có thể đánh giá con mình đang ở “cấp độ” nào trong thang bảng khen thưởng hiện nay.
Nhiều cha mẹ đang trong tình trạng sợ con được khen thưởng. Vì sao lại sợ? Vì khen thưởng không đúng người, không đúng thành tích nên các bậc cha mẹ không biết con mình đang thực sự đứng ở đâu. Và chính các con cũng thấy coi thường việc phấn đấu học tập. Bởi, chẳng cần nỗ lực các con cũng có thành tích đáng ngưỡng mộ đấy thôi. Vì thành tích “ảo” đó mà nhiều em chủ quan trong học tập; về nhà cha mẹ không đôn đốc được con học bài,…
Mới đây, chia sẻ trên báo chí, PGS Văn Như Cương cho biết trường Lương Thế Vinh thực sự “bối rối” khi đứng trước hàng nghìn hồ sơ học sinh giỏi để tuyển vào trường, với điểm số tuyệt đối. Trong khi thành tích này trước đây vô cùng hiếm hoi. Và theo ông, nếu đằng thẳng ra thì cả Hà Nội chỉ có 1-2 em đạt đúng thành tích như vậy.
Người biết rõ nhất năng lực của các học trò thì chỉ có giáo viên. Thế nhưng, nhiều năm qua, vì mục tiêu thành tích của trường lớp, của ngành mà tỷ lệ học sinh giỏi luôn ở mức cao. Nhiều người tâm huyết trong nghề cũng đã từng bộc bạch suy nghĩ, sự day dứt trong cách chấm điểm, đánh giá học sinh.
Ấy thế nhưng trong ngành giáo dục, không biết từ bao giờ, ở nhiều trường xuất hiện tình trạng học sinh phải đi học thêm mới làm được bài kiểm tra. Giáo viên lên lớp chỉ dạy cầm chừng, còn em nào muốn điểm cao thì phải đi học thêm để biết đề hoặc được ra đề na ná như đi học thêm. Việc làm đúng là “một công đôi việc” vừa giải quyết được vấn đề thành tích, vừa cải thiện thu nhập của giáo viên.
Để tránh bệnh thành tích, quá tải ở hệ thống trường công, nhiều phụ huynh đã tìm đến các cơ sở giáo dục tư nhân. Bởi ở các trường này theo quảng bá, thường chú trọng vào việc xây dựng các kỹ năng mềm cho các con. Tuy nhiên, dù là trường công hay tư, nhưng khi tham gia vào các kỳ thi có tính chất bước ngoặt, các con lại thi chung đề nên xem ra chuyện giảm tải ở cả hệ thống trường ngoài công lập cũng chỉ là trên lý thuyết.
Ngoài ra, các trường ngoài công lập còn phải tự hạch toán nên bài toán về cạnh tranh thu hút học sinh với họ cũng không hề nhẹ. Chính vì vậy, nếu dạy dỗ không ra sao, kết quả học tập của các con không tốt thì ảnh hưởng đến cuộc sống của giáo viên và nhà trường ngay lập tức.
Xem ra, việc chạy trốn khỏi hệ thống trường công của nhiều bậc cha mẹ và học sinh chỉ là tránh được những phiền toái, tiêu cực về quà cáp, điểm giả, sự chật chội quá tải về cơ sở vật chất… còn khi đánh giá học sinh vẫn theo một hệ thống tiêu chí đã lạc hậu như hiện nay thì bản chất câu chuyện sẽ không hề thay đổi.
Khen thưởng học sinh giỏi tràn lan không phải cách để nuông chiều, khuyến khích các con học tập tốt hơn. Mà tệ hơn, đây là cách để dạy cho các con nói dối một cách hợp pháp, hợp lý, có hệ thống.
Cách nào để giảm những áp lực không đáng có, giảm bệnh thành tích? Chỉ khi thay đổi cách đánh giá, cách thi tuyển… thì mới mong thay đổi được.
Tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao như hiện nay có phải là kết quả của một quá trình cải cách, đổi mới của ngành giáo dục? Kết quả này có đủ để chúng ta tin rằng, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ đưa đất nước này cất cánh bởi tài năng của các em?! Tiếc là hiện nay, nhiều em là học sinh giỏi nhiều năm, được đào tạo bài bản, bằng cấp khá giỏi… nhưng khi được tuyển dụng lại không làm được việc, ngại xông pha, cống hiến, chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân. Chính các em lại góp phần vào việc làm cho hệ thống xã hội thêm trì trệ. Thử hỏi, đó là thành công hay thất bại của giáo dục?
V.H/VOV.VN