Mở cửa tri thức cho những số phận thiệt thòi
Cập nhật ngày: 02/08/2017 11:28:07
Một lớp học không bảng, không phấn, không viết, học viên và người dạy không nhìn thấy được mặt nhau, chỉ trao đổi, hiểu nhau qua lời nói và tiếng gõ trên những tờ giấy chữ nổi. Đó là lớp học dành cho những người mù.
Tại huyện biên giới Hồng Ngự, để tạo điều kiện có chỗ dạy và học cho người mù, Hội Người mù huyện đã thuê mướn nhà dân để làm cơ sở dạy và học. Cơ sở dạy học còn khó khăn thiếu thốn nhưng quyết tâm của những người mù thì có thừa.
Căn nhà cấp 4 đơn sơ, với vỏn vẹn 1 cái bàn tròn và 5, 6 cái ghế, thời tiết oi bức nhưng không có quạt máy, giáo viên và học sinh phải dạy và học trong điều kiện khó khăn nhưng không một lời than vãn, họ vẫn vui vẻ tìm đến những con chữ nổi BRAILLE.
Mặc dù nhà cách điểm học hơn 20km lại phải qua đò sang sông, nhưng em Nguyễn Thị Kim Hiền ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự vẫn rất quyết tâm đến lớp. Kim Hiền cho biết: “Lần đầu tiên tiếp xúc chữ nổi - những hạt li ti nên gặp rất nhiều khó khăn nhưng em sẽ cố gắng học để biết chữ. Em sẽ không nản, em sẽ cố gắng”.
Lớp học có 5 học viên là hội viên Hội Người mù trên địa bàn huyện. Trong thời gian 3 tháng, các học viên được học căn bản về chữ nổi trên giấy, cách viết và đọc chữ nổi. Hội Người mù huyện còn hỗ trợ cơm cho học viên, đối với các học viên ở xa được hỗ trợ chỗ ở trong suốt thời gian học.
Học viên Lê Văn Sung ngụ xã Thường Thới Hậu A cho biết: “Lần đầu tiếp xúc với chữ nổi bỡ ngỡ lắm, nhưng được sự động viên của thầy cô, bạn bè, sự nhiệt tình của thầy cô nên em cố gắng học để có kiến thức, hòa nhập với cộng đồng xã hội, để sống thấy có ý nghĩa hơn và giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Giúp học viên vượt qua mặc cảm, tự ti, các thầy cô đã hết lòng dạy học, động viên, khơi dậy ước mơ, mở cánh cửa tri thức cho những số phận thiệt thòi. Không chỉ với vai trò là giáo viên đứng lớp dạy từng con chữ, người dạy xem các học viên như người trong gia đình, tận tình chỉ dạy từng những dấu chấm li ti trên bảng chữ nổi BRAILLE cũng như sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm về những sinh hoạt đời thường cho các học viên.
Bà Trần Thị Lạ - giáo viên dạy chữ nổi BRAILLE huyện Hồng Ngự cho biết: Ban đầu, học viên rất bỡ ngỡ và ngại tham gia lớp học nên tôi phải thuyết phục, vận động, giải thích rất nhiều. Tôi quyết tâm dạy để các em biết chữ, hòa nhập với cộng đồng, giúp các em có thể đọc báo, giao lưu với bạn bè, biết chữ để sử dụng được điện thoại, máy vi tính.
Hiện toàn huyện Hồng Ngự có 132 người khiếm thị, Hội Người mù huyện phấn đấu số người mù trên địa bàn huyện được tiếp cận với chữ nổi BRAILLE. Khó khăn gấp bội so với người bình thường học chữ nhưng với quyết tâm tìm đến con chữ, những người khiếm thị khắc phục những khiếm khuyết của đôi mắt để có thể tiếp thu thông tin bên ngoài thông qua việc đọc chữ, giao lưu với bạn bè, xóa đi mặc cảm, tự ti và nỗ lực vượt qua tìm con đường sáng cho mình không phải bằng đôi mắt mà chính từ tâm hồn và kiến thức.
Tân Hợp