Nhiều Viên phấn vàng “xuất thân” từ Trường Đại học Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 08/06/2016 13:36:34

ĐTO - Dấu ấn giáo viên (GV) tốt nghiệp Trường Đại học Đồng Tháp (ĐHĐT) chiếm 12 trong số 15 giải thưởng Viên phấn vàng từ các hội thi GV dạy giỏi bậc THPT giai đoạn năm 2000 - 2015 gợi cho dư luận xã hội cái nhìn mới về một trường Đại học tọa lạc ở một tỉnh nghèo đồng bằng còn nhiều khó khăn.


Thạc sĩ Võ Minh Ngà - Giáo viên Trường THPT Đốc Binh Kiều đạt danh hiệu Viên phấn vàng vào năm 2013

“Năm 2004, tôi đỗ 4 trường nhưng do gia đình khó khăn nên tôi quyết định chọn Trường ĐHĐT để đỡ tiền thuê nhà và để có thể duy trì việc dạy kèm”, Thạc sĩ Võ Minh Ngà - Tổ trưởng Tổ Hóa - Sinh (Trường THPT Đốc Binh Kiều huyện Tháp Mười) cho biết. Để có tiền trang trải việc học và phụ giúp gia đình, Minh Ngà phải dạy kèm 7 - 8 nhóm nên thường xuyên phải ăn cơm chiều vào lúc 8 giờ tối và đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng nhưng vẫn tốt nghiệp đại học loại Giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học, được ưu tiên về Trường THPT Tháp Mười, rồi chuyển qua Trường THPT Đốc Binh Kiều.

Từ những tiết dạy của mình, thầy Ngà đã tạo được niềm tin với nhiều đồng nghiệp. Nhiều năm qua nhưng nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười - cô Tôn Thị Mai Thanh vẫn giữ nguyên ấn tượng đẹp về thầy giáo Ngà. “Trong một lần dự giờ tiết dạy của thầy Ngà, tôi quyết định giao đứa con đầu lòng đang học lớp 12 cho thầy Ngà kèm môn Hóa”, giọng cô Thanh hạnh phúc: “Bây giờ con tôi học năm thứ 5 Đại học Y dược”. Vừa dạy lớp vừa học thêm Cao học, vừa dạy kèm rồi hàng tuần phải về quê chăm sóc cha mẹ già... dồn dập với công việc, vật vã với cơm áo, gạo tiền... nhưng với nghị lực và quyết tâm cao, năm 2013, Ngà cùng lúc tốt nghiệp Thạc sĩ Hóa học và đạt danh hiệu Viên phấn vàng tại hội thi GV dạy giỏi bậc THPT.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho thấy, thông qua các hội thi GV dạy giỏi bậc THPT giai đoạn từ năm 2000 - 2015 thì có 12/15 GV đạt danh hiệu Viên phấn vàng được tốt nghiệp từ Trường ĐHĐT.


Thầy Lê Trung Hiếu (bên trái) đạt học vị Tiến sĩ khi ở độ tuổi 30

“Sinh viên (SV) ĐHĐT không chỉ được truyền chuyên môn mà còn được truyền lửa. Thường sau giờ dạy chính thức, thầy cô nhắc đi nhắc lại: Các em có nhiều thiệt thòi so với SV nhiều trường đại học thâm niên, nhưng các em lại chính là tương lai của trường. Tên tuổi ĐHĐT có vươn cao, bay xa hay chìm xuống là hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng đứng lớp của các em, chính những lời nhắc nhớ này đã thôi thúc SV nỗ lực hơn cả năng lực tự có” - Thạc sĩ Ngà nhớ lại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐHĐT cho biết, năm 2003, ĐHĐT thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng sư phạm với 165 cán bộ giảng viên, trong đó chỉ có 21 người có học vị cao nhất là Thạc sĩ, thậm chí có những người là SV xuất sắc mới được giữ lại làm cán bộ giảng dạy nên chỉ có trình độ cao đẳng sư phạm. Nhưng với tinh thần học để nâng cao trình độ cho chính mình và giúp SV rút ngắn khoảng cách bất lợi, tập thể giảng viên ĐHĐT đã tạo ra sự đột phá ấn tượng.

Đến năm 2015, Trường ĐHĐT có gần 90% giảng viên có trình độ từ Thạc sĩ trở lên (trong đó có 2 Phó Giáo sư, 55 Tiến sĩ, 75 nghiên cứu sinh, 79 giảng viên đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài). Đặc biệt, trường đang có 10 cặp vợ chồng giảng viên trẻ mà cả hai đều là Tiến sĩ, hoặc một người Tiến sĩ và một người đang là nghiên cứu sinh. Trong đó có nhiều người trở thành Tiến sĩ như “huyền thoại giữa đời thường”. Từ câu bé mồ côi cha, phải chăn vịt chạy đồng để lấy tiền ăn học nổi tiếng miệt Tháp Mười, Lê Trung Hiếu, cựu SV bộ môn Toán (hiện là Trưởng bộ môn Giải tích- Toán ứng dụng, Trường ĐHĐT) không chỉ trở thành “của hiếm” khi đạt học vị Tiến sĩ Toán học ở tuổi 30 vào năm 2015 mà còn gây được tiếng vang trong giới Toán học thế giới khi công bố đến 5 bài nghiên cứu khoa học quốc tế, trong đó có 2 bài SCI (Science Citation Index- Chỉ số trích dẫn khoa học).

Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao Trường ĐHĐT có thể “vươn vai Phù Đổng” về trình độ giảng viên để tạo ra sự đột phá chất lượng? Xin nói ngay đó nhờ có liều “Doping” khoa học... của lãnh đạo nhà trường. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐHĐT cho biết thêm, để kích thích giảng viên nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ, trường lập kế hoạch “thưởng” trên cơ sở thu nhập của nhà trường. Hiện, mức thưởng mỗi bài nghiên cứu trong nước từ 2-3 triệu đồng, bài nghiên cứu quốc tế 8-10 triệu đồng. Điều này đã tiếp thêm động lực cho nhiều người đầu tư nghiên cứu và việc nhiều giảng viên của trường đạt mức thưởng 60-70 triệu đồng/năm là minh chứng cho sự “bùng nổ” trên lĩnh vực khoa học ở Trường ĐHĐT.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn