Những bất cập trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Cập nhật ngày: 17/04/2013 06:01:55

Vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh và Sở GD&ĐT báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Đồng Tháp. Trong báo cáo của Sở GD&ĐT có nêu điểm hạn chế của chương trình và sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.


Chương trình và sách giáo khoa còn nhiều bất cập

Đối với cấp Tiểu học, nhìn chung, chương trình được phân bổ phù hợp với thời lượng giảng dạy và đặc điểm tâm, sinh lý học sinh (HS). Chương trình đảm bảo cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về xã hội, tự nhiên và con người. Hình thành cho HS các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, tính toán, đo lường, năng lực tư duy, khả năng suy luận và diễn đạt hợp lý. SGK với kênh hình, chữ rõ ràng, hình thức đẹp, nhiều màu sắc hấp dẫn... thu hút HS tìm tòi, học hỏi. Nội dung SGK tích hợp nhiều kiến thức tự nhiên, xã hội gần gũi giúp HS phát huy sự tư duy, sáng tạo, qua đó giúp các em tiếp thu bài nhanh hơn.

Tuy nhiên, chương trình và SGK giáo dục phổ thông cấp Tiểu học vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Ở lớp 1, nội dung SGK còn sử dụng nhiều từ địa phương, từ ít thông dụng (Ví dụ các từ như: quả nhót, hoa mua) làm giáo viên gặp khó khăn trong giải thích từ; nội dung SGK giữa môn Toán và Tiếng Việt chưa khớp (chẳng hạn ở môn Toán, tiết thứ 6 HS đã học và viết các số 1, 2, 3, 4, 5..., nhưng môn Tiếng Việt đến 2 bài cuối cùng HS mới viết những số này)... Lớp 2, một vài kiến thức giữa 2 môn Tự nhiên - Xã hội và Tiếng Việt chưa khớp với nhau.

Ví dụ: môn Tự nhiên - Xã hội cho biết cây có 4 bộ phận, nhưng môn Tiếng Việt cho rằng cây có đến 8 bộ phận. Phân môn Tập làm văn ở lớp 3 thì có yêu cầu “Viết thư cho người bạn nước ngoài”, nhưng yêu cầu này lại không phù hợp với HS vùng sâu, vùng xa. Việc xây dựng chương trình đan xen giữa các thể loại của phân môn Tập làm văn và Tiếng Việt cũng khiến HS gặp khó trong tiếp thu kiến thức. Phần mở bài, kết bài HS được học và thực hành rất kỹ, riêng phần thân bài HS chưa được hướng dẫn cụ thể nên gặp khó khi làm bài. Môn Lịch sử và Địa lý còn thiếu lược đồ chiến dịch, lược đồ tự nhiên...

Đối với cấp trung học (THCS và THPT), bên cạnh những ưu điểm như: chương trình đảm bảo tính phát triển toàn diện, phù hợp với trình độ nhận thức của HS; nội dung chương trình thể hiện tính cân đối giữa lý thuyết và thực hành; SGK phân ban theo đại trà (SGK nâng cao và chuẩn) được tăng cường kênh hình, màu giúp HS dễ nghiên cứu... thì chương trình và SGK cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp. Một số môn, chương trình vẫn còn quá tải, những gợi ý sắp xếp, bố trí dung lượng thời gian chưa hợp lý. Chương trình các môn có hướng đến vận dụng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa vai trò HS, đổi mới phương thức kiểm tra, song để vận dụng trong thực tiễn vẫn còn chưa phù hợp. Một số SGK của bộ môn còn trình bày chưa đẹp, việc diễn đạt, sử dụng từ ngữ có chỗ chưa thật sự mang tính phổ thông, phổ cập...

Trước những hạn chế còn tồn tại trong chương trình và SGK, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận những góp ý để đề xuất lên trên tìm hướng khắc phục trong thời gian tới.

Phước Lộc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn