Những giáo viên miền biên giới

Cập nhật ngày: 19/11/2012 13:26:35

Băng đồng, lội ruộng, sang sông để đến trường dạy học, những hình ảnh xúc động này được chúng tôi chứng kiến khi đến thăm điểm Ba Lê Hiếu - điểm trường phụ của Trường Tiểu học Thông Bình 1, ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng.


Đi xe qua một đoạn đường lầy lội

Khoảng 6 giờ sáng, tôi theo thầy Lê Thanh Bình (SN 1969) và thầy Phạm Triết Giang (SN 1979) đi đến điểm Ba Lê Hiếu. Vượt qua gần 4km đường đất lầy lội vì trời mưa và cộng thêm 20 phút đi xuồng mới đến được điểm dạy học. Đến nơi, tôi thở phào vì vượt qua đoạn đường mà mới thoạt nhìn tôi không chắc mình có thể chinh phục. Vậy mà đó là việc làm mỗi ngày của những GV nơi đây.

Trường Tiểu học Thông Bình 1 có 5 điểm trường phụ, Ba Lê Hiếu là điểm trường xa nhất. Nằm trên cụm dân cư cùng tên, xung quanh là nước và đồng ruộng nên người dân nơi đây thường gọi là “Côn Đảo”. Chú Trần Văn Danh ngụ cụm Ba Lê Hiếu cho biết: “Thầy cô đi dạy ở đây rất cực. Khó khăn nhất là mùa lũ, bốn bề toàn là nước. Thấy thầy cô nhiệt tình, hàng ngày tôi hay bơi xuồng để đưa rước. Nhờ thầy cô mà con em chúng tôi biết chữ. Tôi thật sự mang ơn thầy cô”.

Thầy Phạm Triết Giang cho biết: “Ở đây chúng tôi có cách đi dạy theo mùa. Mùa nào thì có cách riêng của mùa ấy. Mùa khô thì chạy xe một đoạn đến Gò Côn Ét rồi gửi lại ở đó, tiếp theo là đi bộ trên những con đê khoảng 15 phút thì tới. Mùa nước thì cực hơn, chỉ còn cách chạy xe đường vòng rồi đi xuồng khoảng nửa tiếng mới đến nơi”.

Với nhiều bất tiện trong điều kiện đi lại, cơ sở vật chất của trường cũng rất hạn chế, tưởng chừng không bám trụ nổi, nhưng vì tâm huyết với nghề và tấm lòng yêu thương trẻ, những GV đã gắn bó, lập nghiệp tại nơi này. Thầy Giang cho biết thêm: “Tôi quê ở Châu Thành, công tác ở đây được 12 năm. Nhiều lúc nghĩ lại cũng không ngờ mình gắn bó với trường lâu như vậy. Khi mới về đây công tác, đôi lúc tôi có ý định chuyển công tác vì nơi đây đi dạy cực lắm. Nhưng rồi qua những buổi lên lớp, thấy vẻ đáng yêu, những khó khăn của học sinh nơi đây cùng sự yêu quý của những bậc phụ huynh đã làm tôi thay đổi. Có lúc trời mưa, đường lầy lội vẫn cố gắng đi dạy không nghỉ ngày nào. Hiện tôi đã lập gia đình và cùng vợ dạy ở điểm trường này”.

Để chuẩn bị đi dạy, thầy cô không chỉ phải dậy thật sớm đi cho kịp giờ, mà còn phải lo chuyện ăn uống do điểm trường này không có căn tin và cũng không ai buôn bán gì. Thầy Lê Thanh Bình - công tác ở trường được 4 năm tâm sự: “Mỗi buổi sáng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng mới chuẩn bị kịp. Có khi trời mưa đi sớm mà vẫn trễ. Mỗi khi đi dạy tôi thường mang cơm theo ăn. Ngày nào không chuẩn bị kịp thì phải nhờ phụ huynh nấu vì ở đây còn khó khăn lắm, không ai buôn bán gì cả”.

Thầy Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thông Bình 1 cho biết: “Điểm Ba Lê Hiếu rất khó khăn từ việc đi lại đến việc ăn ở, vì vậy trường rất chú trọng việc phân công xoay vòng để GV luân phiên dạy ở điểm này. Trước khi phân công, trường luôn làm công tác tư tưởng cho GV, thấy thầy cô chủ động đăng ký dạy trường rất mừng và hỗ trợ thêm tiền đò, tiền ăn. Đáng trân trọng hơn, GV của trường hơn 90% là người quê ở các huyện khác, nhưng họ luôn vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay, chưa có GV nào chuyển công tác, đa số họ đã lập gia đình và bám trụ lại nơi đây”.

Dù khó khăn, tập thể giáo viên Trường Tiểu học Thông Bình 1 vẫn kiên trì vượt qua và đạt nhiều thành tích đáng trân trọng. Năm học 2010 - 2011, trường đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cấp tỉnh, Công đoàn Trường đạt danh hiệu “Công đoàn vững mạnh” cấp tỉnh; năm học 2011 - 2012 đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” cấp huyện, có 4 GV dạy giỏi cấp huyện và 1 GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh.

Phước Lộc

< Trở về trang trước
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
  • huynhvanquen - huynhvannho.dthu@gmail.com
  • Rất thông cảm và chia sẻ với những thầy cô giáo ở trường tiểu học thông bình 1. Các anh chị hãy cố gắng lên nhé, tất cả vì đàn em thân yêu của chúng ta.
 
Gửi bình luận của bạn