Phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân
Cập nhật ngày: 22/02/2025 05:24:19

ĐTO - Với sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã triển khai, thực hiện các kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở giáo dục phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Giáo viên Trường THPT Cao Lãnh 1 (huyện Cao Lãnh) thực hiện tiết dạy thử nghiệm ứng dụng chuyển đổi số
Công tác quy hoạch các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thông qua việc rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh. Sở GD&ĐT phối hợp Sở Nội vụ và UBND TP Hồng Ngự đã hoàn thành Đề án sắp xếp mô hình thực hiện nhiệm vụ giáo dục THPT - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hồng Ngự. Theo đó, Trường THPT Hồng Ngự 1 được sắp xếp, tách nhiệm vụ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để hình thành 2 cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở GD&ĐT: Thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Hồng Ngự; đổi tên Trường THPT Hồng Ngự 1 thành Trường THPT TP Hồng Ngự, hoạt động theo mô hình trường chuyên tạo sự chuyển biến về chất lượng dạy học, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực biên giới của tỉnh. Sở GD&ĐT triển khai thực hiện mô hình “Trường phổ thông có hệ giáo dục thường xuyên” đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Ngành GD&ĐT phối hợp các ngành liên quan hoàn thiện, đổi mới việc vận hành hệ thống các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng và các thiết chế văn hóa bên ngoài nhà trường tại các địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập. Ngoài ra, phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả, giải ngân đúng tiến độ các chương trình, dự án như: phối hợp với Tổ chức Room to Read, Dự án Thư viện ước mơ thực hiện các hoạt động Thư viện thân thiện; phối hợp Unilever triển khai Chương trình “Trường học Xanh - Sạch - Khỏe”; thực hiện Dự án “Học tập và kỹ năng cho trẻ em”; phối hợp tổ chức Save the Children International tại Việt Nam thực hiện Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam - Giai đoạn 2 tại các trường Mầm non, Tiểu học thuộc huyện Tháp Mười...
Cơ sở vật chất trường học các cấp tiếp tục được Sở GD&ĐT rà soát, sắp xếp theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, kết quả 100% trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt mức tối thiểu, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Học sinh các ngành học, cấp học thuộc diện chính sách (miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập...) được xem xét, hỗ trợ kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước.
Đặc biệt, đối với trường hợp học sinh là người khuyết tật, toàn tỉnh có 36 học sinh khuyết tật Mầm non, 784 học sinh khuyết tật Tiểu học tham gia học hòa nhập, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục hòa nhập; thực hiện tốt các chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh, trao tặng quà cho học sinh khuyết tật. Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo cơ sở vật chất đối với giáo dục Mầm non và giáo dục phổ thông đúng tiến độ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục; triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cùng với đó, làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các sở, ngành đảm bảo nguồn kinh phí triển khai, thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông các lớp 4, 8, 11, 12.
H.An