Phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh

Cập nhật ngày: 25/11/2022 15:02:54

ĐTO - Từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với các ngành liên quan, chỉ đạo các đơn vị trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng dẫn các Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh (HS). Đến nay, 100% đơn vị trường trong toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho HS với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp.


Học sinh Trường THPT Cao Lãnh 1, huyện Cao Lãnh tham gia buổi tuyên truyền pháp luật với hình thức Phiên tòa giả định

Thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã triển khai, tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho HS. Trong đó, chú trọng các vấn đề thường xảy ra trong trường học như: bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, sử dụng mạng xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; phòng, chống các loại tội phạm trong học sinh; phòng cháy, chữa cháy...

Một số cơ sở giáo dục như: Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (TP Cao Lãnh), Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Sa Đéc (TP Sa Đéc); Trường THPT Cao Lãnh 1, THPT Cao Lãnh 2 (huyện Cao Lãnh) đã đổi mới các hình thức tuyên truyền, tổ chức giáo dục pháp luật cho HS thông qua hình thức sinh hoạt “Phiên tòa giả định”. Ngoài ra, một số đơn vị trường tổ chức tuyên truyền pháp luật theo hình thức “Sân khấu hóa” theo chủ điểm hàng tuần như: phòng, chống thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, mại dâm, ma túy, kiến thức về giới, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước...

Ban giám hiệu các trường phối hợp với lực lượng Công an địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và cho HS ký cam kết không vi phạm pháp luật như: nói không với ma túy, thực hiện nghiêm về an toàn giao thông. Củng cố các mô hình câu lạc bộ sinh hoạt dành cho HS trong trường học, mỗi giáo viên phối hợp với phụ huynh HS quan tâm nắm bắt tư tưởng, hoạt động của từng HS trong lớp, các mối quan hệ với bạn bè trong lớp, trường và các phần tử bên ngoài để kịp thời nhắc nhở, giáo dục, không để các em có những hành vi vi phạm pháp luật.

Ban giám hiệu các trường còn phối hợp với Công an các xã, phường, thị trấn thực hiện hồ sơ đăng ký, hồ sơ xét duyệt công nhận “An toàn về an ninh trật tự” theo Thông tư 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an về Quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” và hồ sơ xét duyệt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo Quyết định 510/QĐ-BCA-V05 ngày 20/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành “Quy định tiêu chí đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Bên cạnh các hoạt động phối hợp với Công an địa phương, Ban giám hiệu các trường còn phối hợp với các đơn vị Huyện đoàn, Thành đoàn, các đơn vị, mạnh thường quân tổ chức các hoạt động gắn với nội dung giáo dục, tuyên truyền an toàn giao thông cho HS các khối lớp ngay tại khuôn viên trường. Trong các hoạt động phối hợp, HS được tham gia trò chơi, trả lời các câu hỏi liên quan đến chủ đề an toàn giao thông... Tại TP Sa Đéc, Thành đoàn Sa Đéc phối hợp với các đơn vị trường tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho HS và phụ huynh HS. Trong đó, có việc thực hiện các mô hình gắn biển công trình “Cổng trường an toàn giao thông” và pa-nô tuyên truyền phổ biến giáo dục về Luật Giao thông đường bộ tại 10 điểm trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Thành lập Đội Thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn và hỗ trợ trật tự giao thông tại khu vực cổng trường; giữ gìn thông thoáng không gian trước cổng trường, kẽ vạch dừng đậu xe hợp lý cho phụ huynh khi đưa đón HS.

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị về việc triển khai giáo dục pháp luật cho học sinh. Thường xuyên có các văn bản hướng dẫn nhắc nhở các đơn vị trường tuyên truyền giáo dục pháp luật cho HS về vấn đề bạo lực học đường, an toàn giao thông, ma túy, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, không đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin xấu, độc trên không gian mạng... Hướng dẫn nội dung cần thiết cho học sinh ký cam kết theo một mẫu chung thống nhất (có thể cho cha hoặc mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng xác nhận). Các đơn vị trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức rà soát, nắm được hoàn cảnh thực tế HS đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định để phối hợp với gia đình, Công an địa phương có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn