Phòng, ngừa những biểu hiện vi phạm của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên

Cập nhật ngày: 21/05/2021 10:16:35

ĐTO - Phòng ngừa những biểu hiện vi phạm của đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên (GV), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở, khuyến khích đội ngũ CBQL, GV hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tận tụy trong công việc. Thành lập đường dây nóng, tiếp nhận và xử lý các trường hợp GV có những biểu hiện vi phạm, không đúng với chuẩn mực đạo đức, tắc trách trong công việc.


Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia sinh hoạt phổ biến các thông tin liên quan đến ngành

Trong công tác quản lý, Sở GD&ĐT thực hiện theo quy trình phân cấp gắn với trách nhiệm cụ thể. Thời điểm hè, tất cả GV các ngành học, cấp học tham gia cập nhật các kiến thức ngoài hoạt động chuyên môn, các hoạt động gắn với ngành, trường, lớp, địa phương. Khi năm học mới bắt đầu, mỗi GV hoàn thành các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn, chịu sự quản lý của bộ môn, Ban giám hiệu tại đơn vị... Trong quá trình giảng dạy theo chương trình năm học, GV bộ môn, GV chủ nhiệm lớp có trách nhiệm hướng dẫn, kèm cặp, giúp đỡ học sinh (HS) và giữ liên lạc thường xuyên với phụ huynh (PH) HS, kịp thời thông tin các vấn đề liên quan đến HS để PHHS nắm và phối hợp giáo dục các em.

Hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác của GV là cơ sở để Ban giám hiệu, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại và căn cứ để xem xét các hình thức khen thưởng theo mức độ và các tiêu chí quy định của ngành. Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng triển khai, thực hiện các hoạt động liên quan đến công đoàn viên, trong đó tuyên truyền, vận động công đoàn viên, người lao động tận tụy với công việc, mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo... Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những thầy, cô giáo hết lòng vì HS, đóng góp tích cực cho ngành, vẫn còn 1 bộ phận GV chưa tận tụy, chưa vận dụng những phương pháp giảng dạy tốt, thiếu sự công bằng trong đánh giá năng lực học tập và các hoạt động rèn luyện đối với HS..., dẫn đến kết quả rèn luyện và học tập của HS chưa phù hợp với chuẩn năng lực tối thiểu kiến thức, kỹ năng... gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến ngành GD&ĐT. Một số GV đôi lúc có phát ngôn hoặc hành vi thiếu chuẩn mực trước HS, PHHS, gây ấn tượng không tốt về hình ảnh người thầy.

Trước thực trạng trên, mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều có các văn bản chấn chỉnh về công tác dạy thêm, học thêm; GV dạy lớp không được thu các khoản thu... Đối với hoạt động chuyên môn, Sở GD&ĐT yêu cầu toàn thể CBQL, GV thực hiện nghiêm túc tất cả các văn bản quy định về đánh giá HS thường xuyên và đánh giá định kỳ. CBQL kiểm tra, giám sát, tư vấn, giúp GV đánh giá thường xuyên, định kỳ một cách thực chất, hiệu quả; nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục HS đúng quy định. Các trường hợp GV thiếu ý thức trách nhiệm dẫn đến những sai sót trong công tác chuyên môn, phát ngôn và có những hành vi không đúng quy định sẽ chịu trách nhiệm và các hình thức xử lý theo thẩm quyền của đơn vị quản lý.

Mỗi năm học, ngành GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ GV, CBQL các ngành học, cấp học trên cơ sở các quy định của cấp trên, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục, từng địa phương, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu GV các cấp học theo quy định. Thành lập các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của HS, PHHS và người dân về tác phong, hoạt động giảng dạy của GV, CBQL. Sở GD&ĐT mong muốn PHHS, người dân luôn đồng hành cùng với ngành, thông tin các trường hợp CBQL, GV có các biểu hiện vi phạm đạo đức, thiếu trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn để kịp thời chỉ đạo xác minh và xử lý theo quy định.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn