Sách Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới - những sai biệt cần chỉnh sửa
Cập nhật ngày: 09/03/2022 09:46:16
ĐTO - Ai cũng biết sách giáo khoa (SGK) là sự thể hiện trực tiếp, cụ thể nội dung chương trình giáo dục, mà chương trình là pháp lệnh, cho nên cũng có thể nói, SGK là pháp lệnh. Đã là pháp lệnh thì phải tuyệt đối chính xác, chuẩn mực, khoa học. Vậy mà, SGK thuộc chương trình giáo dục mới (năm 2018) đã bộc lộ không ít sai sót, khiến những người trong ngành giáo dục, nhất là những giáo viên trực tiếp dạy - học và cả xã hội không khỏi bức xúc, lo lắng.
Từ khi hai bộ sách của hai lớp đầu cấp Tiểu học và THCS xuất hiện và đưa vào áp dụng, mọi người, nhất là các chuyên gia và giáo viên trực tiếp sử dụng sách đã phát hiện không ít sai sót, bất cập trong đó. Ở bài viết này, xin chưa nói đến SGK lớp 6 (ồn ào nhất là sự kiện bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách Ngữ văn lớp 6 - chương trình mới) và sách Toán lớp 1, mà chỉ chọn nêu một số sai sót của sách Tiếng Việt lớp 1 - những sai sót cần thiết phải có sự chỉnh sửa.
Nhiều ý kiến chỉ ra, việc “cắt gọt” tác phẩm nổi tiếng “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, vốn được dạy - học trọn vẹn ở lớp 8 rồi đưa vào sách Tiếng Việt lớp 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, do PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng làm tổng chủ biên (chương trình mới) là một việc làm tùy tiện. Đó là một việc làm không chỉ “băm nát” một bài tùy bút liền mạch, vốn đã thấm sâu vào máu thịt của nhiều thế hệ người Việt mà còn thể hiện năng lực chọn tác phẩm đưa vào SGK của nhóm tác giả là chưa phù hợp đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi (“Tôi đi học” là những kỷ niệm, những hồi ức của người đã trưởng thành). Nói về các sai sót này, tác giả Nguyễn Trọng Bình trong bài viết “Cắt gọt “Tôi đi học” từ sách giáo khoa lớp 8 xuống lớp 1 là cách làm tùy tiện” đã viết: “Việc làm này theo chúng tôi, đã vô tình làm méo mó nội dung, ý nghĩa, khiến khó nhận ra cái hồn cốt, văn phong cũng như các sắc thái tình cảm, cảm xúc của cố nhà văn Thanh Tịnh trong nguyên tác “Tôi đi học” (theo https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cat-got-toi-di-hoc-tu-sach-giao-khoa-lop-8-xuong-lop-1-la-cach-lam-tuy-tien-post220860.gd, ngày 9/9/2021).
Cũng sách Tiếng Việt lớp 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” nói trên, những ngày gần đây cộm lên câu chuyện chữ P, âm “pờ”. Dù tác giả tổng chủ biên có biện hộ thì mọi người, nhất là các nhà giáo đã thấy rõ, việc không đưa chữ P, âm “pờ” vào dạy (chỉ dạy âm PH - “phờ”) như là một thành tố không thể thiếu trong hệ thống chữ cái tiếng Việt là một sai sót không nhỏ. Điều đó càng rõ và cực kỳ khó hiểu, nếu so với sách Tiếng Việt lớp 1, bộ “Chân trời sáng tạo” cũng do PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng làm tổng chủ biên (nhưng PGS.TS. Nguyễn Thị Ly Kha làm chủ biên) có dạy chữ P, âm “pờ” một cách bài bản, đàng hoàng, cụ thể. Nhiều người đã chỉ ra sự phi lý khi không cho học sinh lớp 1 học chữ cái P, khi các từ có phụ âm P ở đầu (và cả ở cuối) trong tiếng Việt và tiếng các dân tộc khác của nước Việt Nam là không ít. Trong sách Tiếng Việt lớp 1, bộ “Cánh diều” do GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên kiêm chủ biên cũng đã dạy chữ P, âm “pờ” như SGK bộ “Chân trời sáng tạo” nói trên. Rõ ràng, dù lý giải kiểu gì thì việc bỏ sót, nghĩa là không tuân thủ nội dung chương trình đã ban hành, “một mình một ngựa” của sách Tiếng Việt lớp 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” là khó có thể chấp nhận. Nói về điều này, tác giả Phan Thế Hoài trong bài viết “Cùng tổng chủ biên vì sao mỗi sách lại có cách dạy chữ P, âm “pờ” khác nhau” đã kết luận: “Vậy, cách dạy chữ P, âm “pờ” của sách Tiếng Việt 1, “Kết nối tri thức với cuộc sống”, khác với bộ “Chân trời sáng tạo” và “Cánh diều” thì chương trình mới được thực hiện thống nhất trong toàn quốc ở chỗ nào? Tôi cho rằng, Nhà Xuất bản Giáo dục và đội ngũ tác giả cần thẳng thắn nhìn vào sự thật để chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1, “Kết nối tri thức với cuộc sống”, sao cho hợp lý, nhất là sách dạy cho học sinh mới lên 6 tuổi” (theo https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cung-tong-chu-bien-vi-sao-moi-sach-lai-co-cach-day-chu-p-am-po-khac-nhau-post224662.gd, ngày 27/2/2022).
Sách Tiếng Việt lớp 1, bộ “Cánh diều” (nhắc ở trên) cũng có những sai sót trầm trọng, bị dư luận phê phán mạnh mẽ, thậm chí đã được đưa ra thảo luận gay gắt trong nghị trường Quốc hội và đã có những ý kiến đề nghị thu hồi. Đáng chê trách nhất là việc các tác giả lựa chọn ngữ liệu đưa vào sách, một mặt, đó là những ngữ liệu không thật tiêu biểu, đặc sắc, phản giáo dục (những chuyện lừa lọc, trí trá, xảo quyệt... như các truyện “Cua, cò và đàn cá” hay “Hai con ngựa”), mặt khác lại được các tác giả phóng tác, chế tác, cắt xén một cách tùy tiện, không tôn trọng nguyên tác, khiến bài học “nửa dơi nửa chuột”. Bên cạnh đó, việc sử dụng từ ngữ địa phương, không mang tính phổ thông, cập nhật, cũng như những từ ngữ mang sắc thái tiêu cực, không trong sáng... cũng là những sai sót không nhỏ của cuốn SGK này. Những sai sót của cuốn SGK này đã khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải lên tiếng: “Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần phải tận dụng công nghệ - thông tin, đưa các bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí, công bố ngay trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên là những người có kinh nghiệm góp ý. Qua đó, chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, ý kiến nào chưa đúng thì có giải thích để xã hội đồng thuận. Tất cả những việc đó đều vì tương lai con cháu chúng ta” (theo https://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-noi-ve-sai-sot-cua-sach-canh-dieu/675154.vnp, ngày 4/11/2020).
Sách Tiếng Việt lớp 1, bộ “Cánh diều” đã được nhóm tác giả chỉnh sửa, nhưng theo dư luận chung là vẫn chưa thực sự cầu thị để khắc phục các sai sót. Còn sách Tiếng Việt lớp 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, theo cách giải thích của tổng chủ biên thì không biết nhóm tác giả có chỉnh sửa, đưa chữ P, âm “pờ” vào dạy cho học sinh trở lại hay không?
Quả là có quá nhiều chuyện không vui về các cuốn SGK, khởi đầu cho cuộc cải cách nội dung chương trình và SGK mới. Bài học này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để SGK các lớp kế tiếp của hệ thống giáo dục phổ thông theo chương trình mới không hoặc ít bị sai sót, khiếm khuyết. Mong lắm thay!
TAO ĐÀN