Tăng cường các biện pháp giữ gìn trật tự trường học
Cập nhật ngày: 06/03/2021 06:47:42
ĐTO - Đảm bảo trật tự an toàn trường học, từ năm 2018 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp cùng với Công an tỉnh, huyện, thành phố thực hiện kế hoạch liên tịch trong công tác phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông góp phần làm giảm nguy cơ vi phạm pháp luật đối với học sinh (HS) các cấp học. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả công tác giữ gìn an ninh, trật tự trường học, cần tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác phối hợp thực hiện.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh thực hiện kế hoạch phối hợp tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội cho các em học sinh
Ngay từ đầu năm học, công tác đảm bảo trật tự, an toàn tại các cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện. Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo các CSGD triển khai thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự. Hiện nay, các điểm trường đều có hệ thống cổng rào, có người bảo vệ; nhà trường triển khai các biện pháp bảo vệ HS phòng, chống bạo lực học đường thông qua nhiều kênh như trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, nắm thông tin về việc các em HS trong trường có phát sinh mâu thuẫn. Các đơn vị trường phối hợp tổ chức các hoạt động phong trào, sân chơi giúp HS kết nối tạo mối liên kết gắn bó, giúp đỡ nhau trong quá trình học tập và rèn luyện. Tại các CSGD, đa số HS tập trung học tập, chăm ngoan thì một số HS có sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội, tham gia vào các hội nhóm trên mạng gây khó khăn cho nhà trường trong công tác quản lý. Ngoài ra, vấn nạn một bộ phận HS giao du với các phần tử xấu, bị các đối tượng xấu lôi kéo hút thuốc, uống rượu, bỏ học, trốn học, tụ tập... Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh HS bận rộn, ít có thời gian quan tâm, giáo dục, quản lý các mối quan hệ của các em bên ngoài nhà trường dẫn đến việc khi các em bỏ học, nghỉ học, tụ tập bên ngoài dẫn đến mâu thuẫn. Tại các CSGD trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra một số vụ việc mất an toàn, an ninh và trật tự như vụ việc HS đánh nhau, người lạ bên ngoài trường xâm nhập đánh HS trong trường gây hoang mang cho phụ huynh HS và giáo viên.
Bảo vệ an toàn cho HS, các đơn vị trường chủ động ứng phó với các tình huống liên quan đến trật tự an toàn trường học, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với việc bảo đảm an ninh trật tự trường học. Ngay trong học kỳ 2, năm học 2020 – 2021, Sở GD&ĐT yêu cầu các Phòng GD&ĐT và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự trong các CSGD. Toàn ngành thực hiện nghiêm các văn bản của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về công tác đảm bảo an toàn trường học tại các CSGD theo hướng “phòng ngừa” hơn “xử lý”. Tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình đảm bảo an toàn, an ninh trường học với các ngành liên quan trên địa bàn (Công an, Đoàn thanh niên,... tại xã, phường, thị trấn), kịp thời giải quyết các vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại CSGD (nếu có xảy ra).
Triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong CSGD mầm non, phổ thông, thường xuyên; đổi mới tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử xã hội cho HS, học viên để tránh việc các em ứng xử chưa chuẩn mực, dẫn đến mâu thuẫn, va chạm (kể cả trong nhà trường và ngoài xã hội). Phối hợp với cha mẹ HS, học viên tăng cường việc quản lý, giáo dục các em trong thời gian không đến trường.
Sở GD&ĐT phối hợp với các ngành chức năng cử nhân viên bảo vệ tham dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại đơn vị. Các CSGD xem xét chấm dứt hợp đồng đối với nhân viên bảo vệ không tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT phối hợp với cơ quan Công an tập huấn cho nhà giáo, cán bộ quản lý và HS, học viên các biện pháp ứng phó với các vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại CSGD đúng quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn của bản thân. Thủ trưởng các CSGD phải báo cáo ngay với cấp trên và cơ quan chức năng các vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại CSGD và an toàn của nhà giáo, cán bộ quản lý và HS, học viên. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý và khắc phục hậu quả các sự việc. Các CSGD toàn tỉnh chủ động hình thành các mô hình thu thập thông tin về an ninh trật tự ngay từ trong các lớp học, cấp học, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng và phụ huynh HS giải quyết các tình huống, tránh để xảy ra những mâu thuẫn đáng tiếc làm ảnh hưởng đến HS, giáo viên. Có các biện pháp giáo dục, định hướng phù hợp, kịp thời đối với các em HS chưa ngoan, cá biệt có nguy cơ vi phạm pháp luật.
C.P.