Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Cập nhật ngày: 18/08/2023 18:11:10

ĐTO - Chiều ngày 18/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố và Trường Đại học Đồng Tháp tham dự.


Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT nỗ lực triển khai thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tăng cường chuyển đổi số, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Bộ GD&ĐT hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; phê duyệt danh mục sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, an toàn... Kết quả năm học 2022 - 2023, tỷ lệ huy động trẻ em bậc mầm non đến trường đạt 70,4% (tăng 4,6% so với năm học 2021 - 2022); huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp Tiểu học đạt 99,7%; học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục THCS đạt 90,7%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 98,88%. Ngoài ra, có 5 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2023 của Tổ chức Quacquarelli Symond và 9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education...

Năm học 2023 - 2024 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành GD&ĐT đề ra 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh phát động và thực hiện đạt kết quả các phong trào thi đua trong toàn ngành...

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố thông tin một số kết quả nổi bật và những khó khăn, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm học 2022 - 2023 tại địa phương. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ban, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn tình trạng thiếu giáo viên; tăng chế độ đãi ngộ đối với viên chức, giáo viên ngành GD&ĐT, nhất là địa bàn vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; sớm tiến hành chủ trương số hóa sách giáo khoa và ban hanh hướng dẫn sử dụng kho dữ liệu sách giáo khoa điện tử...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao những kết quả của ngành GD&ĐT đạt được trong năm học 2022 - 2023. Trong năm học 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành GD&ĐT phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương rà soát, bổ sung thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GD&ĐT. Nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 phù hợp thực tiễn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; khắc phục nhanh tình trạng thiếu giáo viên gắn với chuẩn hóa chuyên môn đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về GD&ĐT nhằm ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tự chủ GD&ĐT với cách làm bài bản, khoa học phù hợp yêu cầu thời đại, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn