Tổ chức khảo sát thực tế và điều chỉnh hoạt động dạy và học trực tuyến
Cập nhật ngày: 09/10/2021 05:59:59
ĐTO - Chú trọng chất lượng dạy và học trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) triển khai các hoạt động chuyên môn đồng thời tổ chức các đợt khảo sát thực tế tại các đơn vị trường để có hướng điều chỉnh kịp thời trong hoạt động giảng dạy trực tuyến.
Giáo viên tương tác với học sinh qua hình thức dạy trực tuyến
Đoàn công tác của Sở GD&ĐT đã tổ chức khảo sát, kiểm tra tại TP Hồng Ngự, TP Cao Lãnh và các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh việc tổ chức dạy và học trực tuyến đối với các trường Tiểu học, THCS, THPT. Qua kiểm tra thực tế, các đơn vị trường đều xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến, thành lập Tổ hỗ trợ kỹ thuật của nhà trường, xây dựng thời khóa biểu dạy học trực tuyến cơ bản phù hợp với tình hình thực tế. Công tác huy động học sinh (HS) tham gia học trực tuyến chiếm tỷ lệ cao, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh HS. Ngoài ra, các đơn vị trường còn tuyên truyền thông tin để HS tiếp cận với kiến thức qua việc dạy học trên truyền hình.
UBND và Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố phối hợp với các nguồn lực xã hội triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho HS có hoàn cảnh khó khăn. 100% các đơn vị trường đều thống nhất lựa chọn giải pháp công nghệ, tổ chức các lớp học ảo tương tác trực tiếp theo thời gian thực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quản lý, giảng dạy của nhà trường. Giáo viên (GV) tích cực ứng dụng kết hợp nhiều công cụ, phần mềm hỗ trợ giúp tăng cường tính tương tác trong các buổi học trực tuyến. Ban giám hiệu nhà trường cùng các thành viên tăng cường công tác quản trị nhà trường thực hiện đảm bảo các yêu cầu về quản lý trong quá trình tổ chức dạy và học. Đặc biệt các Phòng GD&ĐT đều thành lập Tổ hỗ trợ kỹ thuật dạy học trực tuyến cấp huyện, thành phố; phối hợp tốt với các đơn vị viễn thông theo dõi, hỗ trợ việc tổ chức dạy trực tuyến đối với các đơn vị trường. Bên cạnh những thuận lợi, sau thời gian thực hiện dạy và học trực tuyến, khó khăn đối với GV là việc kiểm soát, theo dõi, đánh giá các nội dung giao nhiệm vụ học tập, thu nhận sản phẩm học tập của HS (đối với HS không có điều kiện học trực tuyến) còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận HS chưa chủ động, tích cực trong hình thức học trực tuyến, ít tập trung trong các buổi học. Chất lượng một số buổi học trực tuyến chưa đạt hiệu quả cao, đặc biệt đối với cấp Tiểu học, nguyên nhân một phần là do đặc điểm lứa tuổi của các em.
Để nâng cao hiệu quả tổ chức dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường một cách linh hoạt, phù hợp với hình thức dạy học trực tuyến. Chủ động liên hệ phối hợp với các nguồn lực xã hội trên địa bàn tích cực hỗ trợ cho HS có điều kiện khó khăn tham gia học trực tuyến bằng hình thức vận động các nhà mạng hỗ trợ đường truyền Internet, sim 4G; các mạnh thường quân tiếp tục đồng hành cùng chương trình “Sóng và máy tính cho em”,... Cán bộ quản lý nhà trường cân nhắc sắp xếp thời lượng các buổi học trực tuyến đảm bảo mục tiêu giảm thời lượng học HS tiếp xúc trực tiếp với thiết bị, tăng cường giao nhiệm vụ tự học, bài tập phù hợp với nội dung bài dạy và khả năng của HS. Khuyến khích GV chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với hình thức dạy học trực tuyến, tạo điều kiện cho HS chưa có thiết bị học trực tuyến có thể tham gia học trực tiếp trong điều kiện có thể thực hiện được. Đồng thời giữ kết nối thường xuyên với các cá nhân, đơn vị liên quan, nhất là đối với phụ huynh HS và HS, hỗ trợ và đôn đốc các em tăng cường ý thức tích cực trong việc học trực tuyến tại nhà; tiếp cận và điều chỉnh những hạn chế đối với các em HS trong quá trình tiếp thu bài học. Các đơn vị trường duy trì ổn định việc tổ chức dạy học trực tuyến, làm cơ sở thực hiện việc chuyển đổi số của ngành giáo dục trong thời gian tới. Các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho GV và HS trong quá trình dạy và học.
C.P.