Tranh luận về nhiệm vụ làm sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cập nhật ngày: 01/11/2023 05:39:01
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng nội dung, chương trình, sách giáo khoa “để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống”.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: QUANG PHÚC)
Trong số các vấn đề xã hội, nhiều ý kiến tại phiên thảo luận chiều 31/10 bày tỏ quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51 của Quốc hội khóa XIV về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) (Ảnh: QUANG PHÚC)
Đề cập đến báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nhận xét, về cơ bản, báo cáo đã đánh giá khách quan, công bằng những thành công của việc thực hiện Nghị quyết và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Tuy nhiên, theo ông, báo cáo vẫn chưa làm rõ mức chi phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là bao nhiêu, gồm những khoản nào. “Nếu không rành mạch, rõ ràng, con số này có thể gây hiểu lầm về cách Chính phủ chi tiêu ngân sách Nhà nước và kinh phí đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông", ĐB Nguyễn Duy Thanh phân tích.
Tranh luận với ĐB Nguyễn Duy Thanh, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát cho biết: “Việc bóc tách kinh phí thực hiện cho chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thật cụ thể như yêu cầu của ĐB Nguyễn Duy Thanh là điều cần làm, nên làm, tuy nhiên, trong quá trình giám sát không thể làm được. Bởi vì việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới là một lộ trình có sự kết nối giữa thực hiện chương trình cũ và chương trình mới, cho nên chỉ có thể bóc tách một số kinh phí thực hiện riêng, còn vấn đề lương cho giáo viên, vấn đề sửa chữa trang thiết bị… đúng là rất khó bóc tách”.
Liên quan tới vấn đề xã hội hóa sách giáo khoa, trả lời câu hỏi của ĐB Duy Thanh là Bộ GD-ĐT có nên làm một bộ sách hay không? Như vậy có trái với Nghị quyết 122 của Quốc hội hay không, bà Mai Hoa bày tỏ quan điểm: “Nghị quyết 88 là nghị quyết gốc và yêu cầu Bộ GD-ĐT làm một bộ sách giáo khoa. Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy rằng, vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng nội dung, chương trình, sách giáo khoa để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống. Nghị quyết của đoàn giám sát thể hiện rõ nội dung này”.
ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) Ảnh: QUANG PHÚC
Tiếp tục tranh luận, ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) nói rõ: “Tôi cho rằng, chưa nên giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa mà quan trọng nhất vào thời điểm này Bộ GD-ĐT nên tập trung nghiên cứu và nghiêm túc triển khai phương án lựa chọn và sử dụng có hiệu quả các bộ sách giáo khoa đã và đang lưu hành. Việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa tại thời điểm hiện tại không thực sự cấp thiết. Các cơ quan quản lý Nhà nước làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc lựa chọn sách giáo khoa, không nên can thiệp vào công việc chuyên môn của giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa cho chính cơ sở giáo dục của mình”.
Theo ĐB Lưu Bá Mạc, quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là giữ được sự tin tưởng, đồng lòng và sự vào cuộc của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội để đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng thời giảm được sự lãng phí về mặt nguồn lực xã hội để có thể biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa nữa.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)