Tự tin học sinh đất sen hồng

Cập nhật ngày: 28/01/2017 11:24:47

ĐTO - Mùa xuân mới, ngôi trường mới khang trang thấp thoáng hình ảnh thầy, cô miệt mài, cần mẫn đào tạo ra một thế hệ học sinh (HS) tự tin, tự lực, biết phản biện, gắn kết thực tiễn, định hướng tương lai.


Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT nhận quyết định công nhận Đồng Tháp đạt chuẩn phổ cập giáo dục

Khẳng định thế mạnh

Yếu tố đổi mới được ngành giáo dục tỉnh nhà đặt lên hàng đầu giai đoạn 2011-2015, qua đó chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giữa thành thị, nông thôn; số lượng HS đạt giải trong các kỳ thi cấp Quốc gia giữ vững nhiều năm liền trong 3 đơn vị dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mạng lưới trường, lớp, bậc học, cấp học của tỉnh tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu dạy và học. Năm học 2015-2016, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Đồng Tháp được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học; xếp thứ 2 trong khu vực, với 19 giải thưởng do HS mang về.

Khởi động cùng hàng loạt các chương trình trọng điểm của tỉnh, ngành GD&ĐT không thể đứng ngoài cuộc. Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan gửi gắm: “Những người quản lý giáo dục, thầy cô giáo có sứ mạng “trồng người”, hãy làm tròn sứ mệnh của mình. Niềm vui trong công việc, không phải vì ngành giáo dục đứng nhất, nhì mà tự hào vì ươm mầm tương lai. Mạnh dạn đổi mới, sáng tạo; mạnh dạn phản biện, phân tích điểm mạnh yếu để có giải pháp nâng cao chất lượng từng cấp học. Đào tạo con người gắn với không gian mở, linh hoạt trong việc tìm việc làm, góp phần vào những đề án lớn của tỉnh, xây dựng hình ảnh quê hương Đồng Tháp...”. Chính vì vậy, ngành GD&ĐT cũng hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, những thế hệ HS tự tin, tự lực, biết phản biện, gắn kết thực tiễn, định hướng tương lai. Theo định hướng này, giáo dục Đồng Tháp khởi động chuyển mình từ chính bản thân những người lãnh đạo với hàng loạt các hoạt động đổi mới. Đối với Đề án nâng cao chất lượng giáo dục, sẽ tập trung quản lý giáo dục, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng, tăng nguồn lực đầu tư...

Những kỳ vọng

Với quyết tâm đổi mới, Đồng Tháp là một trong những tỉnh của khu vực ĐBSCL chủ động đẩy mạnh việc dạy 2 buổi/ngày; mạnh dạn liên kết với các đơn vị triển khai chương trình dạy ngoại ngữ cho HS cấp Tiểu học. Đặc biệt hơn, các em được tạo điều kiện để học ngoại ngữ với người nước ngoài, giáo viên nước ngoài. Sở GD&ĐT cùng các phòng chuyên môn làm việc với các đơn vị đối tác và chú trọng việc đào tạo cho HS biết nghe, giao tiếp tốt. Hội đồng bộ môn ở các cấp học được thành lập, đảm nhận việc hỗ trợ giáo viên, HS nâng cao kiến thức, cập nhật chương trình mới của Bộ GD&ĐT. Các em được thầy cô giáo truyền đạt những thông tin về các chính sách mới của tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, du lịch địa phương... Ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Chúng ta không đào tạo ra 1 HS uyên bác mà chúng ta hướng dẫn các em có trình độ, kiến thức, các kỹ năng cần thiết, tự tin giao tiếp với người nước ngoài, mạnh dạn thể hiện bản thân, chăm ngoan, lễ phép, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương sáng cho các em noi theo...”. Ngoài các chương trình học ở trường, ngành GD&ĐT hướng các em đến sự tự tin, không rập khuôn, máy móc mà khuyến khích sáng tạo. Các em tham gia vào các câu lạc bộ tại trường như: Ngoại ngữ, Văn học, Tin học, Toán...; các hội thi vẽ tranh, văn nghệ học đường, ngày Hội giao lưu HS các cấp Tiểu học, THCS, THPT với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như chơi trò chơi dân gian, hùng biện, biểu diễn văn nghệ bằng tiếng Anh... Ở tuổi của mình, các em không đứng ngoài cuộc với các đề án lớn của tỉnh đang thực hiện mà từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của thầy cô giáo, giúp các em định hình, ý thức được những gì đang thay đổi xung quanh mình.

Theo lộ trình nâng cao chất lượng giáo dục, 100% trường Tiểu học có dạy học ngoại ngữ; mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 trường có giáo viên người nước ngoài dạy ngoại ngữ; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; hạn chế hội họp; giảm nhẹ việc thực hiện các loại hồ sơ sổ sách, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tập trung vào đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học; đổi mới nội dung và phương pháp thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho HS, nhất là HS lớp cuối cấp THCS và THPT, chú ý việc phối hợp các đơn vị khác; tăng cường các biện pháp chỉ đạo đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá;...

Lớn lên từ những cánh đồng, ở nơi khuất nẻo, các thế hệ HS Đồng Tháp không ngừng nỗ lực học giỏi, tự tin, có mặt tại các thành phố lớn để khẳng định kiến thức, trình độ, nhân cách, sống hiền lành, chân chất và đầy tự tin khi nói với mọi người rằng “Tôi là người Đồng Tháp”.

Cúc Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn