Xây dựng xã hội học tập

Cập nhật ngày: 15/08/2017 09:52:32

Khác với trẻ em, người lớn khi đi học thường có mục đích khá rõ ràng, học vì công việc, học để phát triển và hoàn thiện bản thân hơn. Tuy nhiên, để xây dựng một xã hội học tập không phải ai cũng nhận thức được như vậy.

Thực tế cho thấy, nhiều người luôn tự hài lòng với kiến thức đã có, cho nên không quan tâm nhiều đến việc tự học hoặc học tiếp sau khi có được tấm bằng ở một trường đại học nào đó.


Người dân xã Xuất Hóa (Lạc Sơn, Hòa Bình) tìm hiểu thông tin qua sách, báo tại Trung tâm học tập cộng đồng

Theo Hội Khuyến học Việt Nam, giáo dục người lớn được hiểu là những người đã qua hoặc chưa có cơ hội học tập trong hệ thống giáo dục ban đầu, những người lao động với sự khác nhau về tuổi, giới tính, cương vị xã hội, nghề nghiệp, tâm lý và thể chất.

Ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”. Đối tượng học tập suốt đời theo đề án này là người lớn trong toàn dân, từ cán bộ các cấp, các ngành, công chức, viên chức đến mọi lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều được học tập và có nghĩa vụ học tập suốt đời. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, các cơ quan hữu quan cần xây dựng các mô hình học tập, triển khai nội dung, hình thức, biện pháp, giải pháp khác nhau để mọi người dân đều được học tập và học tập suốt đời.

Đánh giá về giáo dục người lớn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu thực trạng: Ở Việt Nam, trung tâm học tập cộng đồng được coi là cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn xã, phường, thị trấn (theo Điều 46 Luật Giáo dục năm 2005).

Từ năm 1999, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng, phát triển trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) trên toàn quốc. Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, toàn quốc có 11.081 TTHTCĐ/11.159 xã, phường, thị trấn. Các trung tâm này đã tích cực hoạt động, phát triển về số lượt người học, mở rộng đối tượng, nội dung chương trình, nâng cấp cơ sở vật chất...

Những kết quả ban đầu cho thấy, mô hình TTHTCĐ qua thực tiễn kiểm nghiệm đã và đang từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn lực, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, chỉ 25% số trung tâm hoạt động hiệu quả, phần lớn thành lập cho có. Trong quá trình hoạt động, các TTHTCĐ còn thiếu cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi phát triển; việc thu hút các nguồn lực tài chính còn hạn chế, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và mạng lưới cộng tác viên chưa đáp ứng được nhu cầu của người học.

GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để giải quyết căn bản giáo dục người lớn cần xét trên ba bình diện: Giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời. Theo đó, giáo dục thường xuyên cần được Đảng và Nhà nước xếp vào loại chính sách ưu tiên như khuyến cáo của UNESCO năm 1986 là: Giáo dục thường xuyên phải giữ vai trò chủ đạo trong mọi chính sách giáo dục tại các quốc gia phát triển và đang phát triển. Nếu như trước đây nước ta đã thực hiện khẩu hiệu “Đào tạo một lần cho mỗi con người” thì nay, khẩu hiệu mới là “Đào tạo liên tục trong suốt cuộc đời” của người lao động. Việc học tập suốt đời là sự kết hợp hai mục tiêu học tập một cách chặt chẽ tại mỗi thời điểm trong hoạt động của con người: Học để phát triển những năng lực sẵn có trong riêng mình và học những gì cần để thích ứng được với những thay đổi trong xã hội hiện đại.

Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc học tập của người lớn thường có mục đích rõ ràng, mang tính tự nguyện do có nhu cầu học tập thật sự. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được như vậy. Một số người thường “tự hài lòng” với kiến thức đã có, cảm thấy mình đã biết, đã hiểu và đã có kinh nghiệm đủ để làm việc cho nên không chú trọng và không quan tâm đến việc học tiếp sau khi đã có được tấm bằng ở một trường nào đó. Thêm vào đó là tâm lý ngại học, điều kiện gia đình khó khăn… làm cho họ không muốn học thêm, kể cả những người có điều kiện mà vẫn lười học. Vì vậy, thời gian tới, cần tuyên truyền mạnh hơn về học tập của người lớn, tính cấp thiết phải đầu tư thích đáng cho sự học của đối tượng này, không phải chỉ thông qua mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” mà cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực làm chuyển biến thật sự các trung tâm học tập cộng đồng, tạo phong trào, góp phần hình thành xã hội học tập…

Long Thành (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn