Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Quyết quy hoạch lại các trường Sư phạm

Cập nhật ngày: 11/08/2017 17:02:26

Trước điểm chuẩn vào trường sư phạm thấp, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ quyết quy hoạch lại các trường sư phạm...

Mùa tuyển sinh năm nay, trong khi điểm chuẩn của nhiều trường ĐH tốp đầu, nhiều ngành tăng mạnh thì điểm chuẩn của mốt số trường sư phạm lại rất thấp, thậm chí có trường Cao đẳng Sư phạm thông báo tuyển thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn. Điều này khiến nhiều người lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Vấn đề này làm “nóng” Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục ĐH, các trường Sư phạm diễn ra sáng 11/8 tại Hà Nội.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Quy hoạch lại các trường sư phạm trên cả nước

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dư luận nên nhìn nhận toàn diện và thấu đáo về điểm chuẩn vào trường sư phạm thấp. Bởi lẽ nếu phân tích thì không phải ngành Sư phạm nào năm nay cũng có đầu vào quá thấp. Có những phân ngành điểm trúng tuyển vẫn khá cao hoặc ở mức tương đối nhưng cũng có phân ngành điểm thấp, nhất là ở các trường cao đẳng có đào tạo ngành Sư phạm.

Qua theo dõi thực tế nhập học, đa số thí sinh nhập học có điểm thi cao hơn điểm trúng tuyển mà trường công bố.

"Bộ GD- ĐT đang quyết liệt quy hoạch lại các trường sư phạm trên cả nước. Song đây là vấn đề liên quan tới nhiều chính sách không chỉ thuộc Bộ GD-ĐT mà còn thuộc nhiều bộ ngành khác. Việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm cần thời gian, quá trình chứ không thể chỉ trong vòng 1-2 năm.

“Khởi đầu cải cách, động vào cái gì cũng tạo nhiều nhận thức khác nhau. Chắc chắn ban đầu sẽ sóng sánh một chút nhưng sau đó, mọi vấn đề sẽ đi vào ổn định, tốt đẹp với sự quyết tâm của toàn ngành”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Bộ trưởng GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp. Trong đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh.

“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được. Tuy nhiên, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế  nào cũng phải làm sao giáo sinh vào trường sư phạm thấy tự hào”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.


Chỉ với 3 điểm/môn, thí sinh có thể vào học tại trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh

Sẽ đổi mới mạnh mẽ quản trị đại học

Về tự chủ đại học, Bộ trưởng cho rằng, các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính, thay bằng cấp ngân sách nhà nước theo kiểu hành chính thì sẽ cấp theo nhiệm vụ trên cơ sở chất lượng đầu ra và không phân biệt công tư.

Tới đây, các trường phải đổi mới mạnh mẽ quản trị đại học. Các trường muốn phát triển thì phải đổi mới tư duy quản trị chứ không thể quản lý như thông thường. Bộ đang tiến hành xây dựng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn chủ tịch hội đồng trường, từ đó sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn gọn để hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường có thể tự học đáp ứng yêu cầu quản trị.

Nhìn lại đợt xét tuyển ĐH vừa qua, Bộ trưởng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thí sinh ảo là do thí sinh chưa đủ thông tin. Vì vậy đã tới lúc, các trường phải thay đổi nhận thức khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh.

Tới đây các trường ĐH sẽ tự chịu trách nhiệm về "đầu vào". Vì thế, cần tính đến ngành gì thị trường cần, phân khúc nào thích hợp để tư vấn tuyển sinh. Trong đó dành nhiều thời gian tư vấn nghề nghiệp cho các em phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.


Tới đây, các trường đại học sẽ tự chịu trách nhiệm về "đầu vào" (ảnh minh họa)

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, vừa qua Bộ GD-ĐT đã quan tâm đầu tư phát triển trung tâm hỗ trợ việc làm, dự báo nhu cầu thị trường lao động để giúp các trường có được thông tin tổng thể.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng, mỗi trường vẫn phải chủ động nghiên cứu thị trường vì mỗi trường có phân khúc riêng. Từ nghiên cứu các trường sẽ có những điều chỉnh về nội dung, giáo trình, ngành nghề đào tạo cho phù hợp.

Chia sẻ với những khó khăn của giáo dục đại học hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần có sự hiệp đồng trách nhiệm.

“Chủ trương là đến năm 2020 tất cả các trường sẽ phải tự chủ. Từ nay đến đó, Bộ sẽ phối hợp để cùng triển khai, gỡ khó cho các trường. Vướng mắc nào thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ gỡ ngay. Những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ sẽ có ý kiến với các Bộ, ngành và báo cáo Chính phủ. Trách nhiệm của các trường đại học là không ngồi chờ mà phải chủ động để có những bước đi tự chủ hợp lý và bền vững”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học

Để thúc đẩy phát triển giáo dục, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng vào những nhiệm vụ trọng tâm:

1. Hoàn thiện quy hoạch lại mạng lưới cơ sở  giáo dục ĐH và cơ sở đào tạo giáo viên, khuyến khích phát triển/thành lập mới các trường ĐH ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận; tăng cường sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng giáo dục để định hướng đầu tư và tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

2. Hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy sự năng động, sáng tạo để nâng cao chất lượng đào tạo; thành lập Hội đồng trường trong toàn hệ thống; hoàn thiện các chuẩn chất lượng đối với giáo dục ĐH làm căn cứ để các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý, xã hội và người học giám sát.

3. Tiếp tục phát huy hiệu quả của các chương trình đào tạo chất lượng cao, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường để nâng cao tỷ lệ có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

4. Hoàn thành việc xây dựng chuẩn giảng viên và cán bộ quản lý để đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao và quản trị GDĐH hiệu quả trong điều kiện tự chủ đại học và hội nhập quốc tế.

5. Tăng cường công tác dự báo nhu cầu nhân lực, phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, thực hiện liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và GDĐH để thúc đẩy phân luồng; tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, mở rộng hội nhập quốc tế trong GDĐH.

6. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo, các chương trình đào tạo, khuyến khích kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài để cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bích Lan/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn