'Chỉnh sửa' thành công phôi người giúp ngăn bệnh tật
Cập nhật ngày: 05/08/2017 06:52:00
Các nhà khoa học tuyên bố lần đầu tiên chỉnh sửa được một đột biến gây bệnh trong DNA của phôi người ở giai đoạn sớm, mở ra hi vọng ngăn ngừa được một loạt bệnh di truyền qua nhiều thế hệ.
Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực ngăn ngừa bệnh tật cho con người từ giai đoạn bào thai - Ảnh: AFP
Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học Mỹ và Hàn Quốc thực hiện, tập trung vào việc can thiệp nhằm ngừa bệnh cơ tim phì đại - căn bệnh gây chết người ở nhiều gia đình.
Họ đã dùng công cụ "chỉnh sửa gene" được gọi là Crispr để can thiệp trên 58 phôi được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu cho biết sau can thiệp, hơn 42 trong số 58 phôi trên hoàn toàn không có đột biến gây bệnh tim (chiếm tỉ lệ 72%)
Nhà khoa học Paula Amato - đồng tác giả nghiên cứu, cho biết nếu được cải tiến hơn nữa, phương pháp này có thể "được sử dụng để ngăn ngừa truyền bệnh di truyền cho các thế hệ tương lai".
Bà cũng nói sự thay đổi này được di truyền, có nghĩa là con và cháu của một người sinh ra với DNA đã được chỉnh sửa sẽ không mắc cùng một bệnh di truyền nào đó.
Hiện tại, khoa học chỉ mới giúp tránh được bệnh di truyền ở những trường hợp sinh sản có hỗ trợ và cách duy nhất là thụ tinh trứng trong phòng thí nghiệm, phân tích DNA của phôi thai và loại bỏ các DNA có lỗi.
Nhóm nghiên cứu cho biết kỹ thuật Crispr mới mà họ nghiên cứu có thể được dùng để tăng số lượng phôi có khả năng sinh trưởng, do đó giảm số lượng trứng cần thu thập.
Theo AFP, chỉnh sửa gene là một vấn đề gây tranh cãi vì con người có thể thông qua đó để tạo ra những đứa trẻ 'theo khuôn' với những đặc điểm cụ thể như tóc vàng, giỏi thể thao, thậm chí là thông minh hơn người.
Nhưng nó cũng có khả năng giúp con người tránh các bệnh di truyền có thể gây bệnh tật hoặc tử vong.
Vào năm 2015, ủy ban về đạo đức sinh học của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi chấm dứt việc chỉnh sửa phôi ở người do lo ngại nó có thể được sử dụng để sửa đổi loài người.
TƯỜNG VY (TTO)