'Đại hồng thủy' từng xảy ra trên sao Hỏa

Cập nhật ngày: 09/03/2013 17:36:16

Một đồng bằng ngập lũ bị chôn vùi trên sao Hỏa là bằng chứng về một trận lụt khổng lồ trong quá khứ.


Hệ thống kênh Marte Vallis (dải màu trắng ở giữa ảnh) trên sao Hỏa

Marte Vallis là tên mà loài người dùng để gọi một hệ thống kênh trên sao Hỏa. Giới khoa học đã biết sự tồn tại của Marte Vallis từ lâu. Hình thành cách đây từ 3,1 đến 3,7 tỷ năm, những kênh này có tổng chiều dài hơn 966 km và phân bố trên một khu vực có chiều rộng chừng 97 km. Giới khoa học từng dự đoán độ sâu của các kênh vào khoảng 40 m.

Nhưng một cuộc khảo sát bằng radar mới đây cho thấy độ sâu của các kênh lên tới 80 m - cao gấp đôi so với dự đoán trước đây. Ngoài ra các nhà khoa học còn phát hiện các đầu nguồn của kênh và một vùng đồng bằng ngập lũ. Chúng bị bao phủ bởi nham thạch của một vụ phun trào núi lửa cách đây hơn 500 triệu năm, National Geographic đưa tin.

Trận lụt khổng lồ và vụ phun trào núi lửa được coi là những yếu tố quan trọng, bởi nếu xét về phương diện địa chất thì chúng xảy ra tương đối gần đây. Điều đó có nghĩa là hoạt động địa chất vẫn có thể diễn ra trên sao Hỏa ngày nay.

Giới khoa học từng nghĩ sao Hỏa là một nơi lạnh lẽo, khô cằn trong hơn ba tỷ năm. Nhưng suy nghĩ đó đã thay đổi từ khoảng chục năm trước.

"Chúng tôi nhận thấy thủ phạm gây nên trận đại hồng thủy trên sao Hỏa là nước ngầm. Những vết nứt địa tầng đã giúp nước ngầm dâng lên bề mặt hành tinh. Nguồn gốc của nước ngầm cũng như quy mô của nó vẫn là một bí mật. Nhưng radar cho phép chúng ta quan sát bên dưới những dòng chảy nham thạch để tìm hiểu những thứ từng tồn tại ở đó trong quá khứ", Gareth Morgan, một nhà nghiên cứu của Viện Smithsonian Institution tại Mỹ, phát biểu.

Các nhà khoa học từng sử dụng radar để nghiên cứu hai cực của sao Hỏa, song mãi tới gần đây họ mới đưa chúng vào quá trình nghiên cứu những khu vực khác, như sông Marte Vallis.

Nguồn: Minh Long - vnexpress.net

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn