Cơ hội để sáng tạo khoa học - kỹ thuật

Cập nhật ngày: 21/09/2015 12:33:02

Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VIII và hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2015 đã thu hút sự tham gia của đông đảo những người yêu thích nghiên cứu khoa học.


Ban tổ chức họp bàn tiêu chí xem xét, tuyển chọn các sản phẩm, giải pháp dự thi

Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Tháp lần thứ VIII 2015 nhận được số sản phẩm dự thi ít hơn so với cuộc thi năm 2014, với 143 mô hình, giảm hơn năm 2014 là 86 mô hình. Nguyên nhân do các địa phương không gửi sản phẩm đại trà như mọi năm mà có sự tuyển chọn những mô hình đạt giải, có chất lượng từ vòng dự thi cấp huyện, thị xã, thành phố, sau đó gửi sản phẩm dự thi cấp tỉnh. Các sản phẩm dự thi khá đa dạng về lĩnh vực, trong đó mô hình dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em chiếm đa số với 51 mô hình, lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế 31 mô hình, đồ dùng học tập 28 mô hình, sản phẩm thân thiện với môi trường 27 mô hình, phần mềm tin học 6 mô hình.

Ngành giáo dục và đào tạo là đơn vị có số lượng sản phẩm dự thi ở cả 3 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT; trong đó cấp THCS có 74 mô hình. Ở vòng thi cấp tỉnh, mô hình “Mâm thí nghiệm” của em Cao Thị Thúy Diệu - HS Trường THCS An Bình A, TX.Hồng Ngự được thiết kế gọn, đẹp, có giá thí nghiệm, nơi đặt lọ hóa chất, điều chỉnh tầm cao, thấp phù hợp với tầm quan sát của HS, di chuyển dễ dàng. Điểm đặc biệt của mô hình là có thể áp dụng cho những tiết thí nghiệm, biểu diễn trên lớp học. Mô hình sản phẩm tranh nilon của em Mai Phước Vinh - HS Trường THCS Long Hưng B, huyện Lấp Vò, dự thi ở lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sản phẩm của Vinh được tạo ra từ bao nilon cũ, lịch cũ đã qua sử dụng tạo thành bức tranh sinh động. Mô hình là một trong những cách hạn chế rác của các gia đình qua việc tái chế rác thải. Cũng thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, mô hình sản phẩm “Môi trường xanh của chúng em” của Lê Thị Trúc Linh - HS Trường THCS Long Hưng A, Lấp Vò được làm từ nguyên liệu giấy báo vụn. Đơn giản nhưng hiệu quả là sản phẩm “Hộp đựng nhang muỗi” của Nguyễn Minh Nhật - HS Trường Tiểu học Phú Thuận A3, huyện Hồng Ngự. Để sáng tạo ra chiếc hộp, Nhật dùng 1 chiếc hộp bánh bằng thiếc đã cũ để khoanh nhang muỗi đã được đốt vào bên trong, nắp hộp được đục lỗ cho khói thoát ra; mô hình của Nhật đơn giản nhưng hiệu quả vì không gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, không gây cháy...

Cùng với cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VIII, hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh dành cho cán bộ, đoàn viên, viên chức, công nhân lao động đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp cũng đã nhận được sự quan tâm của những người yêu thích sáng tạo, nghiên cứu tại các cơ quan, đơn vị. Có 17 đơn vị tham gia dự thi với 56 giải pháp trên các lĩnh vực y dược, cơ khí, tự động hóa, nông, lâm, ngư, nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo. Anh Trương Nhật Triết - đơn vị Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cùng các đồng nghiệp Hồ Kiều Oanh, Lê Phan Anh Phụng nghiên cứu giải pháp kích thích sinh sản cá dày tại Đồng Tháp. Đây là giải pháp được Triết ấp ủ và dành nhiều thời gian nghiên cứu. Anh Triết cho biết: “ Cá dày là loài cá bản địa, có nguy cơ tuyệt chủng; do vậy chúng tôi chọn để nghiên cứu với mục đích duy trì sinh sản, bảo tồn loài cá này. Trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều khó khăn về kinh phí, trang thiết bị, nhưng chúng tôi điều phối tốt nên dự án được hoàn thành. Khi mang giải pháp dự thi chúng tôi cũng muốn giới thiệu các nghiên cứu để người dân tiếp cận, nếu cần chúng tôi sẽ hỗ trợ về kỹ thuật... Hội thi là động lực, là sân chơi để chúng tôi có thể học hỏi những giải pháp tốt, hiệu quả”.

Để thẩm định các giải pháp, sản phẩm về mặt thực tiễn, đòi hỏi phải có ý kiến các chuyên gia, do vậy Ban tổ chức cuộc thi, hội thi chọn những cá nhân, đơn vị am hiểu sâu thẩm định sản phẩm, giải pháp để xem xét, tuyển chọn giải pháp, sản phẩm phù hợp với tiêu chí. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Sáng tạo khoa học kỹ thuật là một lĩnh vực liên quan đến Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, do vậy những sản phẩm, dự án tốt cần được nghiên cứu để đưa chúng trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ cho cuộc sống...”.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn