Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng - Nơi khởi nguồn niềm đam mê sáng tạo
Cập nhật ngày: 10/12/2024 05:05:55
ĐTO - Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Cuộc thi) là một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm khuyến khích tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học và phát huy khả năng sáng tạo của các em học sinh trong tỉnh. Đây không chỉ là sân chơi trí tuệ, bổ ích mà còn là nơi ươm mầm cho tài năng trẻ, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học tại quê hương Đất Sen hồng.
Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ 20 năm 2024 trao giải Nhất cho em Lưu Phúc Nguyên và Hà Nguyễn Ánh Linh
Lập thành tích tại “sân chơi” lớn
Trong những năm qua, phong trào sáng tạo khoa học của Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Đồng Tháp không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Trong đó, các mô hình, sản phẩm đạt giải cao tại Cuộc thi lần thứ 17, năm 2024 không chỉ gây ấn tượng bởi tính sáng tạo mà còn bởi khả năng ứng dụng cao vào cuộc sống, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng. Tiêu biểu như: mô hình “Máy bắt côn trùng bằng nước sử dụng năng lượng mặt trời” của nhóm tác giả Võ Quốc Minh và Trần Tự Lực - học sinh Trường THCS Nguyễn Quang Diêu, huyện Tân Hồng đạt giải Nhất; các mô hình đạt giải Nhì như: “Tủ thuốc thông minh sử dụng công nghệ IoT giúp nhắc nhở người thân uống thuốc đúng giờ” của nhóm tác giả Phạm Việt Thành và Vũ Đức Duy - học sinh Trường THCS Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh; sản phẩm “Mũ bảo hiểm cảnh báo thông minh” của nhóm tác giả Phan Nguyễn Phương Vi và Khưu Cát Tường - học sinh Trường THCS Long Khánh B, huyện Hồng Ngự; “Giàn phơi khô thông minh” của tác giả Đỗ Trường Vinh - lớp 11A2, Trường THPT Hồng Ngự 3, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự...
Đặc biệt là tận dụng đòn bẩy từ Cuộc thi tỉnh cùng sự nhạy bén trước thực tế đời sống sản xuất, khi bước vào “sân chơi” lớn của Cuộc thi toàn quốc lần thứ 20 năm 2024, học sinh Đồng Tháp tạo được tiếng vang với các thành tích ấn tượng.
Đáp ứng được tiêu chí của Cuộc thi toàn quốc lần thứ 20 năm 2024, sản phẩm “Máy cắt vỏ hạt sen tươi” của nhóm tác giả Lưu Phúc Nguyên - học sinh Trường THCS Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (hiện là học sinh lớp 11A3, Trường THPT Lai Vung 2, huyện Lai Vung) và Hà Nguyễn Ánh Linh - học sinh Trường THCS Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (hiện là học sinh lớp 11V, Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đạt giải Nhất.
Hạt sen từ lâu trở thành sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp, tuy nhiên, việc bóc vỏ hạt sen tươi lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và mất nhiều công sức, khiến năng suất sản xuất chưa đạt được tối ưu. Từ thực tế này, 2 em Lưu Phúc Nguyên và Hà Nguyễn Ánh Linh nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy cắt vỏ hạt sen tươi.
Điểm nhấn của sản phẩm không chỉ giúp tự động hóa công đoạn bóc vỏ mà còn đảm bảo độ chính xác, giữ nguyên chất lượng hạt sen. Máy hoạt động bằng cơ chế cắt lưỡi dao linh hoạt, xử lý được cả những hạt sen có kích thước không đồng đều. Đặc biệt, thiết kế nhỏ gọn, dễ vận hành và chi phí sản xuất thấp giúp máy có tiềm năng ứng dụng rộng rãi. Với kết quả đạt được tại Cuộc thi toàn quốc không chỉ là niềm tự hào của các tác giả trẻ mà còn góp phần vào sự phát triển ngành hàng sen của tỉnh nhà.
Với giải Ba tại Cuộc thi toàn quốc lần thứ 20 năm 2024, mô hình “Giường chuyển bệnh nhân” của nhóm tác giả Trần Tùng Hưng và Nguyễn Lê Yến Linh học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Văn Tiệp, huyện Tân Hồng góp thêm thành tích tại “sân chơi” này. Mô hình ra đời xuất phát từ lòng trắc ẩn, mong muốn hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Đặc biệt, sản phẩm được thiết kế khoa học giúp việc di chuyển bệnh nhân từ giường bệnh sang vị trí khác trở nên dễ dàng hơn. Giường được thiết lập cơ chế trượt và nâng hạ, giúp giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân, đồng thời giảm tải công sức của nhân viên y tế. Mô hình “Giường chuyển bệnh nhân” vừa có ý nghĩa thực tiễn phục vụ việc khám chữa bệnh vừa hữu ích đối với y tế tuyến cơ sở còn thiếu thốn trang thiết bị hiện đại.
Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ 20 năm 2024 trao giải Ba cho em Trần Tùng Hưng và Nguyễn Lê Yến Linh
Tiếp tục phát huy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo
Để mang về thành tích đầy tự hào cho quê hương, các em học sinh cũng trải qua nhiều thử thách. Từ việc phát hiện vấn đề thực tiễn, lên ý tưởng thiết kế, đến việc thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm. Tất cả các khâu đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực và niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học.
Theo em Lưu Phúc Nguyên và Hà Nguyễn Ánh Linh, trong quá trình phát triển “Máy cắt vỏ hạt sen tươi”, các em gặp không ít khó khăn với khâu kỹ thuật. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ thầy cô và niềm tin vào giá trị của sản phẩm cho đời sống giúp các em vượt qua.
Tương tự, em Trần Tùng Hưng và Nguyễn Lê Yến Linh giành nhiều thời gian nghiên cứu để cải tiến “Giường chuyển bệnh nhân” qua các vòng thi cấp huyện đến cấp tỉnh để đảm bảo sản phẩm đạt hiệu quả tối ưu và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Qua những câu chuyện chia sẻ về quá trình nghiên cứu sản phẩm, cả 4 em đều có chung điểm tương đồng là mong muốn sử dụng kiến thức để mang lại lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là ở những nơi còn nhiều khó khăn. Thành công của các em không chỉ là niềm tự hào của gia đình và nhà trường mà còn là minh chứng sống động cho sự trưởng thành của thế hệ trẻ Đồng Tháp. Những sản phẩm: “Máy cắt vỏ hạt sen tươi” hay “Giường chuyển bệnh nhân”... vừa góp phần cải thiện đời sống của người dân vừa mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng Tháp với tiềm năng nông nghiệp và du lịch phong phú rất cần những giải pháp sáng tạo từ thế hệ trẻ khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa và nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương.
Để có được những thành quả đáng tự hào này, bên cạnh sự quan tâm và định hướng từ phía các cấp lãnh đạo, nhà trường và gia đình còn có đòn bẩy từ các cuộc thi, hội thi và chương trình hỗ trợ sáng tạo giúp các em phát huy khả năng và hiện thực hóa ý tưởng của mình. Thời gian tới, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật sẽ tiếp tục triển khai Cuộc thi với nhiều hình thức nhằm khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học, sáng tạo vô hạn để các em hăng hái đến với Cuộc thi bằng những mô hình, sản phẩm chất lượng, ứng dụng công nghệ số, vận dụng những kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời rất cần sự đồng hành hỗ trợ của quý thầy cô và các bậc phụ huynh nhằm tạo động lực để các em thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu, tạo ra nhiều mô hình, sản phẩm chất lượng hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, chia sẻ: “Với những kết quả đạt được là cả quá trình làm việc tích cực, đầy trách nhiệm với nhiều đổi mới của Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo Cuộc thi cấp tỉnh, cấp huyện. Đặc biệt là thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ Đồng Tháp với cộng đồng. Qua đó, giúp các em học sinh nhận thấy được ý nghĩa, giá trị của Cuộc thi để xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm đa dạng, chất lượng, có tính mới, sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tiễn để tham gia Cuộc thi trong thời gian tới, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quê hương Đồng Tháp ngày càng giàu đẹp”.
KỲ LINH