Đại Tây Dương có thể biến mất

Cập nhật ngày: 21/06/2013 06:11:31

Một vết nứt trên vỏ trái đất có thể khiến châu Âu và Bắc Mỹ trở thành một lục địa, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của Đại Tây Dương sau 220 triệu năm nữa.


Bắc Mỹ và châu Âu sẽ "tái hợp" sau hơn 200 triệu năm nữa
Ảnh: National Geographic

Tạp chí Geology vừa công bố bản đồ mới nhất về đáy biển gần bán đảo Iberia - khu vực bao gồm Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha - thuộc châu Âu. Bản đồ cho thấy một đới hút chìm đã xuất hiện ở đây. Đới hút chìm này nằm trong Đại Tây Dương và cách bờ biển Bồ Đào Nha khoảng 200 km về phía tây nam. Nó bao gồm 6 mảnh. Chúng trải dài trên một khu vực có chiều dài khoảng 300 km, National Geographic đưa tin.

Đới hút chìm hình thành khi các mảng kiến tạo địa tầng - những mảng đá khổng lồ tạo nên vỏ trái đất - đâm vào nhau. Rìa của mảng kiến tạo nặng hơn sẽ trượt xuống phía dưới rìa của mảng kiến tạo nhẹ hơn rồi hòa lẫn vào lớp phủ (nằm ngay bên dưới vỏ địa cầu).

Sự hiện diện của đới hút chìm trong Đại Tây Dương là một trong những dấu hiệu cho thấy châu Âu và khu vực Bắc Mỹ sẽ hội tụ để trở thành một siêu lục địa. Khi quá trình sáp nhập kết thúc, Đại Tây Dương - vùng nước ngăn cách châu Âu và Bắc Mỹ - sẽ biến mất.

Hiện tượng tách rời và hội tụ giữa các siêu lục địa từng xảy ra ít nhất ba lần trong lịch sử gần 4 tỷ năm của địa cầu.

"Trong tương lai, các lục địa trên trái đất sẽ rất giống Pangea, một siêu lục địa từng tồn tại khoảng 200 triệu năm trước", Joao Duarte, một nhà khoa học của Đại học Lisbon tại Bồ Đào Nha, phát biểu. Ông là trưởng nhóm nghiên cứu đới hút chìm trong Đại Tây Dương.

Duarte nói thêm rằng đới hút chìm mà ông và các cộng sự phát hiện chỉ vừa mới xuất hiện. Trong quá trình phát triển của nó, kích thước Đại Tây Dương sẽ giảm dần, còn Bắc Mỹ và bán đảo Iberia sẽ xích lại gần nhau.

"Cuối cùng Iberia và Bắc Mỹ sẽ trở thành một khối như trước đây. Sự hội tụ của chúng sẽ tạo ra một dãy núi khổng lồ như Himalaya", ông lập luận.

Nguồn: Minh Long-Vnepress

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn