Dấu ấn cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ X năm 2017
Cập nhật ngày: 26/10/2017 09:11:56
ĐTO - Là hoạt động thường niên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (STTTNNĐ) đã góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy, sáng tạo của các em thanh, thiếu niên, nhi đồng. Năm nay, cuộc thi có nhiều mô hình, sản phẩm giàu tính sáng tạo và ứng dụng, thể hiện sự đầu tư về trí tuệ của các em, trọng tâm là lĩnh vực môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho em Trần Thanh Vĩ với mô hình máy cắt và ép chanh
Ứng dụng thiết thực trong đời sống và sản xuất
Có thể kể đến là với mô hình, sản phẩm “máy cắt và ép chanh” của em Trần Thanh Vĩ - học sinh lớp 8, Trường THCS Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Mô hình này đạt giải B cuộc thi STTTNNĐ lần thứ X tỉnh Đồng Tháp năm 2017 và đạt giải Ba cuộc thi STTTNNĐ toàn quốc lần thứ 13 năm 2017.
Mô hình máy cắt và ép chanh của em Trần Thanh Vĩ - học sinh lớp 8, Trường THCS Mỹ Hiệp
Chia sẻ về sản phẩm của mình, Thanh Vĩ cho biết: “Khi thấy mẹ và hai cô cùng xóm cắt và vắt nước cốt chanh để làm nước rửa chén thường gặp một số trở ngại như bị đứt tay, da tay bị lở loét, đau rát, tốn sức lao động và mất nhiều thời gian. Từ đó em đã nảy sinh ý tưởng sáng tạo rồi vận dụng kiến thức đã học và chế tạo thành công chiếc máy. Đây là một sản phẩm mới chưa có trên thị trường. Được làm từ các vật liệu như: inox không rỉ, sắt, gỗ và nhựa”.
Trao đổi về mùa giải năm nay, ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp nhận xét, mặc dù những mô hình sản phẩm đạt giải cuộc thi năm 2017 còn ít so với tiềm năng của các em trong lứa tuổi, nhưng đã thực sự có sức sống, phản ánh sự phát triển của khoa học kỹ thuật từ thực tiễn trong học tập, sản xuất đến đời sống hàng ngày. Đáng chú ý, trong tổng số 150 sản phẩm, mô hình gửi dự thi cấp tỉnh thì số sản phẩm, mô hình thuộc lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế chiếm tỷ lệ khá cao.
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trao giải B cho các tác giả đạt giải
Điều đó cho thấy, các em có sự chú trọng lớn đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, cũng như ứng dụng thiết thực trong đời sống và sản xuất. Thành công này đến từ công tác tuyên truyền, định hướng ngay từ ban đầu của Ban tổ chức cấp huyện, cấp tỉnh trước vấn đề ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế hiện nay.
Nhiều sản phẩm của các em giàu tính thiết thực, có thể ứng dụng ngay trong thực tế như: mô hình “động cơ đốt ngoài” của tác giả Trần Tấn Thành với những nguyên liệu dễ tìm như lon nước ngọt, bong bóng, đèn cồn; “hệ thống đổ rác ở trường học có nhiều tầng” của em Nguyễn Đặng Tường Duy làm bằng các nguyên liệu dễ tìm như vành xe đạp nhôm đã bỏ đi, tấm nilon, dây gân; “bồn tiểu môi trường” của tác giả Nguyễn Trường An thiết kế ra vật dụng để giải quyết nhu cầu vệ sinh cho con người bằng những vật liệu rẻ tiền, đơn giản, dễ làm và hiệu quả...
Tiếp tục nâng tầm cuộc thi
Bên cạnh những thành quả nổi bật, cuộc thi STTTNNĐ vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, việc tuyên truyền, phổ biến cuộc thi chưa sâu rộng. Nhiều trường học còn thiếu quan tâm đến cuộc thi, việc hướng dẫn hưởng ứng cuộc thi ở một số nơi còn hạn chế. Các mô hình, sản phẩm dự thi phần đông ở cấp Tiểu học và THCS nên còn hạn chế về mặt tìm hiểu thông tin cũng như thể lệ cuộc thi dẫn đến một số sản phẩm vẫn còn trùng lắp với sản phẩm đã có trong thực tế hoặc đã bán trên thị trường. Tỷ lệ học sinh các trường THPT tham gia rất ít (chỉ có 8/150 mô hình, sản phẩm dự thi, chiếm 0,53%) nên các sản phẩm dự thi còn ít so với tiềm năng của các em trong lứa tuổi.
Phát động cuộc thi STTTNNĐ lần thứ XI năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục phối hợp trong vận động tuyên truyền phổ biến cuộc thi đến các đối tượng tham gia; các địa phương tích cực chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức cuộc thi cấp huyện, kịp thời khen thưởng, động viên các sản phẩm đạt giải cấp huyện, đồng thời lựa chọn, mô hình sản phẩm có chất lượng tham gia cuộc thi cấp tỉnh năm 2018. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo, phụ huynh tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện để khơi dậy niềm hăng say của các em trong thi đua học tập và thực hiện ý tưởng sáng tạo.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc thi, ông Lê Minh Hùng cho hay, hướng tới, Ban tổ chức sẽ tiếp tục phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan, các hội, đoàn thể, các huyện, thị, thành tìm giải pháp nâng cao hơn nữa công tác phối hợp, định hướng ý tưởng cho các em tốt hơn. Việc khuyến khích đội ngũ sáng tạo trẻ cũng được chú trọng. Ngoài việc phối hợp với các đơn vị liên quan tìm giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc thi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật sẽ tiếp tục thông tin về cuộc thi thông qua các kênh: Đài truyền hình, Báo Đồng Tháp, website của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh để các trường, địa phương nắm và phổ biến đến các em trong độ tuổi tham gia.
Sau 1 năm phát động, qua các vòng xét chọn, trao giải cấp huyện, thị, thành phố, Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ X năm 2017 tiếp nhận tổng cộng 150 mô hình, sản phẩm đến từ 112 đơn vị trường (Tiểu học, THCS, THPT) trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi. |
Thảo Vy