Động đất ở Pakistan tạo nên đảo mới
Cập nhật ngày: 27/09/2013 05:10:10
Một hòn đảo xuất hiện sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở miền nam của Pakistan.
Hòn đảo xuất hiện ở thành phố Gwadar sau một trận động đất
mạnh 7,7 độ Ricter. Ảnh: NBC News
Các nhà nghiên cứu địa chấn nghi ngờ rằng, hòn đảo chỉ là một cấu trúc tạm thời, được hình thành sau hiện tượng "núi lửa bùn". Đây là quá trình phun trào bùn, cát và nước từ dưới đáy biển lên bề mặt khi có áp suất sao. "Các lớp cát bên dưới bị lay chuyển, hạt cát chuyển động và kết dính lại", John Armbruster, một nhà nghiên cứu địa chấn của cơ quan Quan sát Trái đất Lamont Doherty (LDEO) thuộc trường đại học Columbia, cho biết.
Sự hóa lỏng cát và các lớp bùn sẽ xuất hiện sau khi bất kỳ trận động đất nào xảy ra, nhưng những hòn đảo thì chỉ thường được phát hiện sau những trận động đất mạnh, ít nhất là 7 hoặc 8 độ Richter.
Vào những năm 1940, một hòn đảo khá lớn xuất hiện trên vùng biển của Gwadar, nhưng không tồn tại lâu. Sau một trận động đất xuất hiện ở gần tỉnh Karachi, đoàn khảo sát Địa chất Anh - Ấn đã phát hiện một hòn đảo có diện tích khá lớn, đủ để con người có thể đổ bộ bằng thuyền và đi lại trên đảo. Tuy nhiên, trong vài ngày, hay vài tuần gì đó, hòn đảo đã biến mất.
Những hòn đảo rõ ràng là không được hình thành do mặt đất bị đẩy lên bởi động đất, nhưng có vẻ như đây là tác động thứ hai của lớp trầm tích cát chảy. Sự hình thành các hòn đảo sau động đất cũng có thể được gây ra bởi hiện tượng núi lửa bùn, mặc dù không cần động đất để có thể hình thành đảo. Có rất nhiều núi lửa bùn ở công viên quốc gia Yellowstone, Mỹ chưa từng bị tác động bởi động đất.
Theo nhà nghiên cứu địa chất Stephan Graham của trường đại học Stanford, trong khi núi lửa bùn là các lớp trầm tích lỏng điển hình ở ngoài khơi tỉnh Balochistan, thì các hòn đảo có thời gian tồn tại ổn định hơn, hay còn gọi là các vùng đất nổi, lại xuất hiện đột ngột ở nhiều nơi trên thế giới.
Những hòn đảo này thường được nhìn thấy ở dọc theo những đường đứt gãy, nơi một mảng kiến tạo trượt dưới một mảng khác, giống như vùng hút chìm ở New Zealand. Các đường đứt gãy như San Andreas, nơi mảng kiến tạo Thái Bình Dương và Bắc Mỹ trượt qua nhau, ít có khả năng nhìn thấy những hòn đảo nổi lên bất thường.
Nguồn: Thùy Linh-VnExpress